Theo Reuters, ngày 30/10, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo kính viễn vọng không gian Kepler đã cạn nhiên liệu và sẽ ngừng hoạt động sau nhiệm vụ kéo dài 9 năm rưỡi. Trong suốt thời gian đó, Kepler đã phát hiện hàng nghìn hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời và thúc đẩy công cuộc tìm kiếm một thế giới khác ngoài Trái Đất có khả năng hỗ trợ sự sống.
Nằm trên quỹ đạo bay quanh Mặt trời và cách Trái Đất 156 triệu km, kính viễn vọng Kepler sẽ trôi ra xa Trái Đất khi các kỹ sư tắt máy phát vô tuyến.
“Dẫu đây là sự kiện đáng buồn, điều này không có nghĩa là chúng tôi không vui vì những gì thiết bị tuyệt vời này đã làm được. Hành trình 9 năm rưỡi của Kepler đã dài gấp 2 lần mục tiêu ban đầu”, Charlie Sobeck, kỹ sư hệ thống dự án tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở California, cho biết.
Kính viễn vọng Kepler của NASA đã cạn nhiên liệu và sẽ kết thúc nhiệm vụ trong không gian. Ảnh: NASA. |
NASA phóng thành công kính viễn vọng Kepler vào tháng 6/2009, để tìm hiểu xem những hành tinh giống Trái Đất, nơi có thể tồn tại sự sống, là hiếm gặp hay phổ biển trong các hệ sao khác.
Thiết bị này đã phát hiện 2.681 trong tổng số khoảng 3.800 ngoại hành tinh (các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời) được ghi nhận trong 2 thập niên qua, giúp hé lộ sự đa dạng của các hành tinh trong dải ngân hà. Nó cũng góp phần xác định Mặt Trăng đầu tiên bên ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta.
Bên cạnh hơn 2.600 hành tinh đã được xác nhận, Kepler còn tìm ra 2.899 thiên thể có khả năng là hành tinh. 50 trong tổng số 5.580 thiên thể trên có thể có kích thước và nhiệt độ tương tự Trái Đất.
Hình ảnh vẽ lại kính viễn vọng Kepler, "thợ săn hành tinh" của NASA. Ảnh: NASA. |
“Cơ bản là Kepler đã mở ra cánh cửa cho con người khám phá vũ trụ”, William Borucki, một trong những nhà nghiên cứu chính của thiết bị thăm dò Kepler, nhận định.
Ông chia sẻ ngoại hành tinh ông thích nhất được đặt tên là Kepler 22B. Nó nằm cách Trái Đất 600 năm ánh sáng và được kính Kepler phát hiện đầu tiên vào năm 2009. Ngoại hành tinh này có khả năng là “một quả cầu nước” với kích thước bằng Trái Đất, có đại dương và hơi nước trong khí quyển.
Kính viễn vọng Kepler sử dụng phép đo quang phổ để đo độ mờ sáng lặp đi lặp lại khi các hành tinh đi qua những ngôi sao.
Dữ liệu của nó cũng cung cấp phương pháp để xác định một hành tinh có bề mặt rắn chắc, như Trái Đất và Sao Hỏa, hay đầy khí ga, như Sao Mộc và Sao Thổ. Cách phân biệt này giúp các nhà khoa học tiến gần hơn tới việc tìm ra hành tinh tiềm năng giống Trái Đất và cùng với đó là cơ hội tìm ra sự sống.
Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) sẽ tiếp nối các nhiệm vụ của Kepler. TESS được phóng vào hồi tháng 4 và đang thực hiện nhiệm vụ 2 năm trị giá 337 tỷ USD.