Fox News đưa tin tên lửa Delta IV mang phi thuyền thăm dò Mặt Trời Parker đã được phóng thành công từ trạm Mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ, vào lúc 3h31 ngày 12/8 (giờ địa phương). Theo dự kiến, tàu Parker sẽ đến Mặt Trời vào tháng 11/2018.
Trước đó, kế hoạch phóng tàu thăm dò Mặt Trời được NASA lên lịch trình vào ngày 11/8, nhưng bị hoãn 24 giờ do trục trặc kỹ thuật.
Trong hành trình lịch sử tiến gần Mặt Trời hơn bất cứ tàu vũ trụ nào trước đây, phi thuyền Parker sẽ phải chống chọi với nhiệt độ và bức xạ khủng khiếp phát sinh từ Mặt Trời, ngôi sao cách Trái Đất gần 150 triệu km.
Tên lửa Delta IV mang tàu thăm dò Mặt Trời Parker của NASA rời khỏi mặt đất. Ảnh: NASA. |
Tàu Parker sẽ thực hiện nhiệm vụ thăm dò vành nhật hoa, khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời, ở vị trí cách Mặt Trời khoảng 6,16 triệu km, gần hơn gấp 7 lần so với tàu vũ trụ Helios 2 được phóng năm 1976.
Để chịu mức nhiệt lên đến 1.400 độ C, tàu Parker được bảo vệ bởi lớp vỏ dày 11,43 cm, nhiệt độ bên trong tàu sẽ được duy trì trong khoảng 29 độ C.
Chiếc tàu thám hiểm Mặt Trời của NASA sẽ dần thu hẹp khoảng cách với Mặt Trời trong vòng 7 năm, dự kiến đến gần ngôi sao này nhất vào năm 2024. Tàu Parker đồng thời lập kỷ lục là vật thể nhân tạo nhanh nhất trong vũ trụ khi di chuyển với vận tốc 193.000 m/s.
Vành nhật hoa có thể được nhìn thấy bằng mắt thường trong quá trình diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần. Trong điều kiện bình thường, vành này thường bị ánh sáng Mặt Trời che khuất.
Khi thám hiểm vành nhật hoa, con tàu vũ trụ được đặt theo tên tiến sĩ Eugene Parker, người tiên phong trong lĩnh vực vật lý Mặt Trời, sẽ cung cấp nguồn thông tin vô giá về ngôi sao cung cấp nhiệt và ánh sáng, tạo nên sự sống cho Trái Đất.
Mục tiêu chính của chuyến thăm dò lần này là hé lộ bí mật về vành nhật hoa, khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời. Khu vực này không chỉ nóng gấp 300 lần bề mặt Mặt Trời mà còn là nơi tán xạ bức xạ điện từ, gây ra bão Mặt Trời thường làm tê liệt mạng lưới điện trên Trái Đất.
“Mặt Trời ẩn chứa nhiều điều huyền bí. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi biết những câu hỏi mà mình muốn trả lời”, Nicky Fox, nhà khoa học trong dự án thuộc Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, Đại học Johns Hopkins, chia sẻ.