Tại hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2015 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia tổ chức ngày 29/7, vấn đề mất cân đối thương mại Việt Nam (VN) - Trung Quốc (TQ) được nhiều đại biểu quan tâm.
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM, nhận định:
Lợi thế lớn nhất của TQ là hầu hết hàng hóa đều có sẵn và được sản xuất ở quy mô lớn, do đó giá rẻ, đặc biệt là hàng bán thành phẩm đầu vào. Thêm vào đó, rất nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại VN tận dụng sức lao động giá rẻ tại VN và nhập bán thành phẩm đầu vào sản xuất ở quy mô lớn từ TQ để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu đi nước khác như Mỹ, Nhật, EU, v.v…Ví dụ điển hình nhất là Samsung.
TS Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM |
Khai thác thị trường khổng lồ
- Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố đưa ra nhận xét thâm hụt thương mại giữa VN với TQ có xu hướng tiếp tục tăng trong khi chúng ta lại khó nắm bắt được con số thực?
- Nguyên nhân thứ nhất là do hoạt động thương mại tiểu ngạch từ hai bên, trong khi thống kê thương mại qua đường tiểu ngạch là rất khó nắm bắt.
Thứ hai, VN và TQ đều có chính sách khuyến khích xuất khẩu, do vậy các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thường có xu hướng khai tăng giá trị xuất khẩu để hưởng chính sách ưu đãi. Điều này làm cho số liệu thương mại của hai phía có sự lệch pha.
Thứ ba, chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu thô của VN, trong khi đây là những mặt hàng TQ luôn sẵn sàng mua. Điều này “khuyến khích” các hoạt động xuất khẩu lậu từ phía VN. Ví dụ các ngư dân VN có thể xuất khẩu cá ngay trên biển cho tàu thu mua của TQ và số liệu này không được ghi nhận ít nhất là từ phía VN.
Thứ tư, hoạt động tạm nhập tái xuất từ TQ qua VN sang nước thứ ba để né tránh hàng rào thuế áp lên hàng TQ của nước thứ ba cũng làm nhiễu thông tin về hoạt động thương mại song phương VN-TQ.
- Thưa ông, có một tín hiệu đáng mừng là cấu trúc hàng xuất khẩu của VN sang TQ đã cải thiện theo hướng tăng hàng tinh chế, tăng hàm lượng công nghệ?
- Xu hướng gần đây cho thấy VN bắt đầu xuất khẩu máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử vào TQ nhờ các DN đầu tư nước ngoài đang mở rộng quy mô sản xuất lớn tại VN. Bên cạnh đó, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của VN như may mặc, giày dép… cũng có tốc độ tăng xuất khẩu cao.
Đây là những chỉ dấu tốt cho việc cải thiện cán cân thương mại Việt - Trung.
- Nhưng cũng có ý kiến lo ngại về việc chúng ta tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng và các DN Việt làm đầu vào trung gian cho các nhà sản xuất TQ?
- Nhập khẩu hàng tiêu dùng từ TQ là khó tránh khỏi vì TQ đang sản xuất hàng hóa cho cả thế giới sử dụng với giá rất rẻ. Tuy nhiên, các DN của chúng ta trên nhiều lĩnh vực cũng đang cạnh tranh trực tiếp thành công với TQ như hàng dệt may, điện tử, điện thoại…
Tôi cho rằng các DN Việt cần có tầm nhìn vượt qua biên giới, khai thác thị trường khổng lồ của TQ dựa trên lợi thế của mình. Khi đó, VN tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng từ TQ nhưng chúng ta cũng xuất khẩu mạnh mẽ được hàng tiêu dùng sang nước láng giềng này.
Các xe dưa hấu xuất khẩu chờ qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). |
Cú sốc chứng khoán
- Nhiều chuyên gia cảnh báo cú sốc trên thị trường chứng khoán TQ làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng “hạ nhiệt” của kinh tế nước này với nhiều bất ổn, kéo theo sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có VN. Ông nghĩ sao về điều này?
- Ảnh hưởng của thị trường chứng khoán TQ đối với thị trường VN là khá thấp do xuất khẩu của chúng ta sang TQ không nhiều và những DN niêm yết trên thị trường chứng khoán của VN cũng ít xuất khẩu sang TQ.
Song nếu thị trường chứng khoán TQ tiếp tục lao dốc và nền kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng hơn so với kỳ vọng thì xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi TQ sẽ càng rõ nét. VN là một địa chỉ đầy tiềm năng. Thị trường chứng khoán TQ tụt dốc có thể sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường VN.
- Đã có cảnh báo rằng để tránh những bất ổn từ kinh tế TQ thì không nên để nền kinh tế VN phụ thuộc quá nhiều vào nước này, thưa ông?
- Thực tế cho thấy quy mô của DN Việt nhỏ và thiếu tính liên kết. Do đó hầu như chúng ta không thể cạnh tranh được với các DN TQ. DN Việt trong thời gian dài chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất ra sản phẩm cụ thể mà chủ yếu tập trung vào các hoạt động có khả năng quay vòng vốn nhanh như thương mại và đầu cơ. Do đó năng lực sản xuất của các DN Việt là khá yếu so với các đối thủ từ TQ.
Về lâu dài, chúng ta cần tăng cường khai thác được thị trường nội địa TQ, tức là trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm cuối cùng vào TQ chứ không chỉ xuất sang các nước khác. Điều này đặc biệt quan trọng khi TQ đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào đầu tư sang mô hình dựa vào tiêu dùng.
- Xin cám ơn ông.
TS Lê Đăng Doanh: Tìm cách đẩy hàng sang Việt Nam
Thị trường chứng khoán TQ vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá mạnh đến thị trường chứng khoán châu Âu, Nhật và các nơi khác. Có ý kiến cho rằng nếu thị trường chứng khoán TQ sụp đổ, nguồn vốn sẽ chảy sang VN nhưng theo tôi, nhận định này còn phải xem xét.
Thêm nữa, nếu cầu của nền kinh tế TQ kém trong khi cung lại thừa ứ thì TQ sẽ tìm cách đẩy hàng hóa tràn ngập sang VN. Một khi hàng hóa TQ giá rẻ tràn vào thì VN không có lợi.
TS Lưu Bích Hồ: “Ung nhọt” đang vỡ ra
Biến động chứng khoán sẽ kéo lùi tình hình phát triển kinh tế của TQ. Mới có mấy tháng biến động nhưng chứng khoán TQ đã mất 3.000-4.000 tỉ USD. Cái “ung nhọt” trong kinh tế TQ đang vỡ ra. Đây là một bài học cho VN, nếu chúng ta không thay đổi thì rất có thể sẽ giống TQ.
TS Lê Xuân Bá: 90% dự án tổng thầu EPC rơi vào tay TQ
Chuyện nhập siêu của VN với TQ chưa phải là điều đáng lo. Vấn đề nằm ở đầu tư của TQ vào VN. Hơn 90% dự án tổng thầu EPC TQ trúng thầu. Khi trúng thầu dự án thì phía TQ thường kéo dài thời gian thực hiện dự án. Có khi họ ký với VN sẽ hoàn thành dự án trong năm năm nhưng kéo dài 15 năm khiến dự án đội vốn. Như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải vay thêm 250 triệu USD.
TQ luôn đưa toàn bộ thiết bị, máy móc, nhân công vào thực hiện các dự án. Đây cũng là lý do làm cho thâm hụt kim ngạch thương mại của VN với TQ gia tăng.
TS Nguyễn Đình Cung