Theo New York Times, Xie Yiyi, 22 tuổi, sống tại Bắc Kinh, bị mất việc hồi tuần trước. Cô là một trong hàng triệu người trẻ Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cùng ngày hôm đó, cô quyết định mở một quầy bán đồ nướng theo lời kêu gọi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Nhiều người ở Trung Quốc cho rằng bán thịt cừu cay xiên là một bước thụt lùi của những người trẻ được giáo dục tại Mỹ như cô Xie, hay nói đúng hơn là đối với bất kỳ ai trong nền kinh tế thứ hai thế giới.
Người bán trang sức giả, quần áo rẻ tiền và thức ăn nhẹ thường bị nhìn bằng ánh mắt ái ngại ở Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Trước đây, những người bán hàng rong vẫn thường được người Trung Quốc nhìn bằng ánh mắt ái ngại. Ở nhiều thành phố tại quốc gia tỷ dân, các bảo vệ dân phố (được gọi là chengguan) thậm chí còn đuổi và đánh đập người bán trang sức giả, quần áo rẻ tiền và đồ ăn nhẹ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây kêu gọi người thất nghiệp gia nhập nền kinh tế vỉa hè để hồi sinh nền kinh tế đang trật bánh.
Nền kinh tế vỉa hè
Lời kêu gọi làm dấy lên câu hỏi rằng liệu Trung Quốc có phải là một quốc gia có tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng với các tòa nhà chọc trời và tập đoàn công nghệ ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến? Hay phần lớn đất nước vẫn chìm trong nghèo nàn và lạc hậu với các quầy hàng ven đường bên trong những con hẻm nhỏ?
Cô Xie mới tốt nghiệp Đại học California hồi năm ngoái. Cô hiểu rằng cần mất thêm nhiều thời gian để giải quyết vấn đề. Cô Xie đã bắt đầu đặt mua trên mạng vỉ nướng, than, xiên và soda với niềm hy vọng công việc tạm thời này sẽ giúp cô vượt qua khoảng thời gian thất nghiệp.
Tuy nhiên, cô Xie vẫn chờ xem các quan chức thành phố có hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Lý Khắc Cường hay không.
Câu trả lời là không. Một bài bình luận trên tờ Beijing Daily đưa ra danh sách dài vấn đề mà các quầy hàng rong có thể gây ra. Đó là vấn đề về vệ sinh và văn minh.
“Ý kiến của các quan chức không giống nhau. Vậy nên tốt nhất là nên thận trọng trước khi đặt hàng”, New York Times dẫn lời cô Xie chia sẻ.
Một khu chợ đêm ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hôm 10/6. Ảnh: New York Times. |
Ông Lý Khắc Cường bắt đầu thảo luận về sự thịnh vượng của Trung Quốc từ hồi tháng trước. Ông ca ngợi những người trẻ tuổi đã mở các quán trà trong những ngày đầu của Cách mạng Văn hóa.
Thủ tướng Trung Quốc chỉ ra rằng khoảng 600 triệu người Trung Quốc, tương đương 43% dân số, chỉ kiếm khoảng 140 USD/tháng. Ông nêu ví dụ một người lao động xa quê 50 tuổi không thể tìm được việc làm sau 30 năm làm việc ở các thành phố.
Sau khi đến thăm những người bán hàng rong ở tỉnh Sơn Đông, ông Lý tuyên bố: “Đất nước này được tạo nên bởi những người này. Chỉ khi họ ổn, đất nước mới ổn”.
Cụm từ “nền kinh tế gian hàng” giờ trở thành chủ để được bàn tán sôi nổi ở Trung Quốc. Một số người dùng Internet ca ngợi ông Lý Khắc Cường vì dám nói lên sự thật. Nhiều người cho rằng ông đã quan tâm đến cuộc sống của người thường, bên cạnh việc tập trung vào xây dựng quyền lực ở bên ngoài Trung Quốc đại lục.
50 triệu việc làm
Nhiều thành phố đang nỗ lực đưa người bán hàng rong trở lại đường phố. Các bảo vệ khu phố trước đây từng đánh đuổi người bán hàng rong giờ chuyển sang hỗ trợ họ. Một chuyên gia kinh tế ước tính 50 triệu việc làm có thể được tạo mới nếu chính phủ dành nhiều không gian cho người bán hàng rong và nông dân hơn.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin về những người bán hàng rong kiếm hàng nghìn USD mỗi tháng và có thể mua xe sang. Họ dẫn câu chuyện của các doanh nhân nổi tiếng như Jack Ma, nhà sáng lập đế chế thương mại điện tử Alibaba. Ông đã từng bán hàng rong trên phố để trả tiền thuê cho doanh nghiệp đầu tiên của mình.
Alibaba và đối thủ JD.com đã tung ra các gói tín dụng siêu nhỏ và một số chương trình khác để hỗ trợ người bán hàng rong đường phố. Giá cổ phiếu của các nhà điều hành trung tâm mua sắm, nhà sản xuất ô ngoài trời và nhà sản xuất xe bán tải cũng tăng vọt.
Những người trẻ tuổi cũng bắt đầu tranh luận về những gì họ có thể buôn bán. Đó có thể là một xe bán cà phê hay dịch vụ pháp lý ven đường? Các hình ảnh chế Captain America dán màn hình điện thoại hay Wonder Woman kéo một xe mì lạnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội của Trung Quốc.
Nhiều người trẻ Trung Quốc phải bán hàng rong sau khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: New York Times. |
“Nền kinh tế gian hàng không phù hợp với các thành phố hạng nhất. Cho phép nền kinh tế này trở lại đồng nghĩa với việc những bước tiến trong nhiều thập kỷ sẽ bị xóa sạch trong vòng một đêm. Nó quá xa vời với sự tăng trưởng chất lượng cao”, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc nhận xét.
Đối với bất cứ ai từng chứng kiến những người bán hàng rong bị đuổi đánh, việc mở một quầy hàng là cách kiếm sống không hề dễ dàng. Ngay cả với những người thực hiện ý tưởng một cách nghiêm túc như cô Xie ở Bắc Kinh, đây có thể chỉ là một việc làm tạm thời.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra 9 triệu việc làm mới trong năm nay, thấp hơn 2 triệu việc làm so với mục tiêu hồi năm ngoái. Con số này là không đủ. 8,7 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong năm nay, cộng với nhiều chuyên gia và công nhân bị mất việc vì khủng hoảng kinh tế.
Trong khi đó, vẫn có hàng trăm triệu công nhân thu nhập thấp đang vật lộn để kiếm sống bất chấp sự thịnh vượng của quốc gia tỷ dân.
“Khi họ cần bạn, bạn là một người bán hàng. Khi họ không cần bạn, bạn chỉ là một vết nhơ cho quang cảnh thành phố”, New York Times dẫn lời bình về những người bán hàng rong ở Trung Quốc.