Ngày 15/9, Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc (NBS) cho biết tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm 2,5% so với năm ngoái, thấp hơn mức 7% được nhà kinh tế dự tính trước đó. Sản lượng công nghiệp đạt 5,3% so với mức dự tính trung bình 5,8%. Đầu tư vào tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm khớp với dự báo, đạt 8,9%. Tỷ lệ thất nghiệp không đổi, giữ mức 5,1%.
Theo Bloomberg, trước khi biến thể Delta bùng phát cuối tháng 7, người tiêu dùng ở quốc gia này đã có sự thận trọng nhất định trong chi tiêu. Bên cạnh đó, việc các loại hình dịch vụ tài sản và giáo dục liên tục chịu áp lực từ luật pháp cũng khiến tâm lý người dân trở nên e dè hơn.
“Các thị trường đang đánh giá thấp việc quy mô tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm. Giới chức trách sẽ bám sát kế hoạch chịu đựng những khó khăn ngắn hạn để thu lợi ích dài lâu”, Lu Tinh - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty Nomura Holding có trụ sở tại Hong Kong - nhận định.
Sản lượng công nghiệp (đen) đạt 5,3% và doanh số bán lẻ (hồng) đạt 2,5% trong tháng 8, sụt sát đáy kể từ lần đạt đỉnh vào cuối tháng 2. Ảnh: NBS. |
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên sau 3 ngày. Tuy nhiên, chỉ số CSI 300 giảm 0,6% sau khi các số liệu công khai gần đây không mấy khả quan.
Trước tình trạng gia tăng rủi ro kinh tế, giới hoạch định chính sách đang đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và cam kết sử dụng trái phiếu chính quyền địa phương tốt hơn. Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng một lần nữa trong những tháng tới. Trước đó, PBOC đã có lần giảm bất ngờ vào tháng 7.
Thay vì bơm thêm thanh khoản, PBOC chọn cách luân chuyển các khoản vay trung hạn đến hạn.
Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát dịch tễ nghiêm ngặt của Trung Quốc đang hạn chế khả năng chi tiêu của người dân và hoạt động du lịch trong giai đoạn hè cao điểm. So với cùng kỳ, hoạt động nhà hàng và dịch vụ ăn uống đã giảm 4,5% trong tháng 8, doanh số bán quần áo giảm 6%.
Bất chấp dự báo chỉ số tiêu dùng sẽ tăng trở lại trong tháng 9, Larry Hu - Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại công ty Macquarie Securities ở Hong Kong - tin rằng nền kinh tế sẽ có xu hướng suy giảm trong vài quý tới.
“Cần có chính sách nới lỏng biên độ thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ nhanh hơn và hạn ngạch cho vay nhiều hơn. Tuy vậy vẫn còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp kiểm soát tài sản và nợ của chính quyền địa phương”, Hu nhận định.
Theo NBS, dù nền kinh tế có tiếp tục đang phục hồi trong tháng 8, môi trường quốc tế phức tạp, các đợt bùng phát dịch bệnh mới cộng thảm họa thiên nhiên như lũ lụt sẽ gây ra ảnh hưởng nhất định. Do đó, quá trình phục hồi kinh tế vẫn cần được củng cố.
Trước những động thái siết chặt hoạt động bất động sản để kiềm chế rủi ro tài chính của chính phủ, lĩnh vực đầu tư xây dựng đã giảm 3,2% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, tăng trưởng đầu tư bất động sản giảm còn 10,9%, doanh số bán hàng cũng suy yếu.
Lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng kỷ lục. Ảnh: AFP. |
Ngành công nghiệp xe hơi cũng gặp thiệt hại khi các nhà sản xuất đối mặt tình trạng gia tăng chi phí, thiếu chip bán dẫn hay gián đoạn do lũ lụt gần đây.
Mặc dù vậy, bất chấp tình trạng tắc nghẽn lưu thông cảng và chi phí vận chuyển cao, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trên thế giới, đặc biệt ở thời điểm cận Giáng sinh, đang giúp số liệu xuất khẩu trong tháng 8 của Trung Quốc đạt kỷ lục.
“Sự phục hồi có thể sẽ vẫn chậm lại khi dịch bệnh tiếp tục bùng phat. Chính phủ Trung Quốc cần có sự kết hợp xuyên suốt giữa thắt chặt và nới lỏng có mục tiêu”, Bruce Pang - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong - cho biết.