UBND TP.HCM cho biết kinh tế TP.HCM có khởi sắc trong tháng 4. Ảnh: Quỳnh Danh. |
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Đồng thời đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5 năm 2023.
Trong báo cáo này, UBND TP.HCM đánh giá các ngành công nghiệp, thương mại có sự khởi sắc; đặc biệt là du lịch, vận tải hành khách tăng cao.
Thương mại, dịch vụ tăng trưởng
Tổng doanh thu du lịch trong tháng 4 đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng khách du lịch nội địa đạt gần 3 triệu lượt, tăng 51,7% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt gần 340.000 lượt, tăng gần 200%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 cũng ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 7,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu tính chung 4 tháng đầu năm nay, chỉ số IIP trên địa bàn TP chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Khách du lịch trở lại TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Mặt khác, UBND TP cũng thừa nhận điểm hạn chế trong tháng qua là doanh nghiệp thành lập mới giảm về số lượng và vốn do gặp khó khăn về nguồn vốn.
Theo báo cáo, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 là 14.752 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới gần 145.000 tỷ đồng, giảm 9,6% về số lượng và giảm gần 25% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, vốn đăng ký bổ sung đạt gần 96.000 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong tháng 4 năm 2023 hơn 240.000 tỷ đồng, giảm 43,33 % so với cùng kỳ.
Trong tháng 4, TP ghi nhận có 1.207 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,13% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ với gần 15.000 doanh nghiệp và chỉ có hơn 5.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 26% so với cùng kỳ.
Hiện nay, tổng số doanh nghiệp trên hệ thống là 530.013 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 10 triệu tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sức mua trong nước hồi phục còn chậm, thị trường xuất khẩu đầu ra bị ảnh hưởng. Cụ thể, tổng doanh thu xuất khẩu trong tháng 4 ghi nhận hơn 3,6 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13,025 tỷ USD, giảm 19,8% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%).
Trong khi đó, tổng doanh thu nhập khẩu lại ghi nhận tăng trưởng tích cực hơn khi đạt 5,25 tỷ USD, tăng 8,5 so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 17,9 tỷ USD, giảm hơn 20% so cùng kỳ.
Ngoài ra, đầu tư nước ngoài vào TP giảm so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, TP thu hút được gần 980 triệu USD, giảm 23,45% so với cùng kỳ.
Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 307 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 171,32 triệu USD. Ngoài ra, TP.HCM còn có 95 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 372,63 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn).
Đồng thời, TP.HCM cũng chấp thuận cho 691 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký gần 436 triệu USD.
Bên cạnh những dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, tính từ đầu năm đến nay TP có 74 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động dự án từ nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư là 60,35 triệu USD.
Kinh tế chưa hết khó khăn
Trong tháng 4, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 năm nay ước đạt gần 96.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nếu so với tháng trước, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 8,7%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 5%, dịch vụ du lịch lữ hành tăng 10,1% và dịch vụ khác tăng 21,9%.
Lý giải về kết quả trên, TP cho biết hiện kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, chưa có chiều hướng cải thiện đáng kể; chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt của nhiều quốc gia tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, hệ quả tiêu cực về tâm lý từ việc chấn chỉnh thị trường bất động sản, thị trường tài chính trong nước và giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công. Trong đó, tập trung giải ngân toàn bộ số vốn đã đăng ký và được giao cho các dự án; đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án đang triển khai hoặc bố trí mới cho các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trước ngày 30/6. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án được ghi vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đã khởi công.
Hoàn thành công tác đầu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát phân loại các dự án quy hoạch treo, đề xuất hướng xử lý từng dự án lớn quy mô cấp TP.
Ngoài ra, TP cũng tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng Covid-19, đặc biệt đối với các nhóm người có nguy cơ cao...
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.