Với chủ đề “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ đổi mới”, diễn đàn được tổ chức nhằm quy tụ những quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân về quản lý và phát triển kinh tế thể thao Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Tham dự Diễn đàn, các chuyên gia như Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty VSP, nhà đầu tư kinh doanh thể thao tại Việt Nam Lim Song đã chia sẻ, phân tích nhiều vấn đề để Việt Nam có thể phát triển kinh tế thể thao như mong đợi.
Trên thế giới, thể thao ở nhiều nước đã thực sự trở thành một ngành nghề trong hệ thống kinh tế. Kinh tế thể thao là một cỗ máy đồ sộ, liên kết với nhiều ngành nghề sản xuất dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập, đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia và tạo ra các giá trị xã hội tích cực.
Thể thao Việt Nam những năm qua có nhiều thành tích khởi sắc nhưng vẫn bị đánh giá là nằm trong vùng chậm phát triển nền công nghiệp thể thao thế giới. Vì vậy Việt Nam cần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thay đổi, tăng tốc để không tụt hậu.
Ông Đặng Hà Việt chia sẻ ở Diễn đàn kinh tế thể thao. |
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết mục tiêu của thể thao Việt Nam là phải xây dựng được nền công nghiệp thể thao vừa phù hợp với điều kiện chính sách, nguồn lực xã hội hóa, vừa phải bắt nhịp với xu hướng phát triển kinh tế thể thao của khu vực, châu lục và thậm chí thế giới.
Một trong những vấn đề đáng chú ý được thảo luận tại hội thảo là vấn đề bản quyền truyền hình. Theo ông Đặng Hà Việt, nguồn thu từ bản quyền truyền hình thường chiếm từ 50 đến 70% doanh thu của một giải đấu thể thao. Ông cho rằng Việt Nam cần tăng cường những giải đấu hoặc sự kiện thể thao có thể tạo ra doanh thu từ việc bán bản quyền truyền hình.
“Diễn đàn lần này gợi mở cho các Liên đoàn, Hiệp hội, nhà tổ chức giải đấu cách thức định vị được khách hàng tiềm năng của mình, thu hút người hâm mộ quan tâm theo dõi nhiều hơn và đặc biệt là cách thu bán tài trợ, bán bản quyền truyền hình hiệu quả tối đa”, ông Đặng Hà Việt nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT tiếp tục: “Sắp tới ngành Thể thao sẽ họp và trao đổi với các đơn vị, Liên đoàn, Hiệp hội có bản quyền truyền hình quan trọng, đặc biệt là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Liên đoàn Bóng rổ (VBF), để tìm cách xử lý việc vi phạm bản quyền truyền hình. Việc này cần xử lý rốt ráo bởi nếu không sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng tới nhiều giải đấu ở nhiều bộ môn, liên đoàn khác".
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia cũng rút kinh nghiệm và những bài học thành công từ các mô hình kinh tế thể thao ở các nước trên thế giới. Điều này góp phần giúp các lãnh đạo ngành thể thao được gợi mở và hoạch định ra tầm nhìn chính xác về kinh tế thể thao tại Việt Nam trong tương lai.