Sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine, nền kinh tế Nga đã bị cô lập. Theo một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, những hậu quả kinh tế mà Moscow phải hứng chịu "rất nghiêm trọng". "Lạm phát sẽ tăng cao và suy thoái ngày càng sâu hơn", CNN dẫn lời vị quan chức giấu tên.
Một loạt lệnh trừng phạt từ phía phương Tây đã khiến nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga chao đảo. Các nhà băng chủ chốt bị cấm tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nga cũng không thể nhập khẩu những công nghệ quan trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga. Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng cân nhắc các biện pháp tương tự nhằm trừng phạt Moscow.
Đồng RUB từng sụp đổ rồi nhanh chóng phục hồi, nhưng giới quan sát cho rằng đó là sự phục hồi giả tạo. Ảnh: Reuters. |
Kinh tế suy thoái
Theo quan chức tại Bộ Tài chính Mỹ, mục tiêu của các lệnh trừng phạt là hủy hoại nền kinh tế Nga, từ đó làm suy yếu năng lực quân sự của nước này. "Nền kinh tế Nga đã bị cô lập. Và trên thực tế, Moscow chưa chuẩn bị gì cho tình trạng đó", vị quan chức nhận định.
Theo người này, điều đó sẽ đẩy Moscow vào thế khó. Bởi từ trước đến nay, nền kinh tế Nga phụ thuộc vào việc bán nguyên liệu thô để mua hàng tiêu dùng và những thiết bị hiện đại khác nhằm phục vụ sản xuất.
“Sự gia tăng của những lệnh trừng phạt từ phương Tây, các điều kiện tài chính bị thắt chặt và viễn cảnh khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng sẽ khiến nền kinh tế Nga lao dốc mạnh trong năm nay”, ông Liam Peach - nhà kinh tế tại Capital Economics - cảnh báo.
Nền kinh tế Nga đã bị cô lập. Và trên thực tế, Moscow chưa chuẩn bị gì cho việc nền kinh tế bị cô lập. Lạm phát sẽ tăng cao và suy thoái ngày càng sâu hơn
Một quan chức giấu tên tại Bộ Tài chính Mỹ
Theo ước tính của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), các biệp pháp trừng phạt nghiêm khắc sẽ khiến nền kinh tế Nga lao dốc 10% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng kinh tế trước đó là 3%.
Đáng nói, sau thỏa thuận ngừng bắn, nền kinh tế Nga sẽ trải qua thời kỳ trì trệ kéo dài, ngay cả khi các nước láng giềng đã phục hồi.
"Đầu tư sẽ lao dốc, thương mại quốc tế sụt giảm, Nga không còn hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu như trước. Cùng với đó là việc ngày càng nhiều người rời khỏi Nga, dẫn đến tăng trưởng năng suất trong dài hạn thấp hơn", nhà kinh tế trưởng Beata Javorcik của EBRD nhận định.
"Các lực cản vẫn sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Nga, ngay cả khi những lệnh trừng phạt hiện hành đã được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hòa bình", vị chuyên gia tại EBRD cảnh báo.
Dĩ nhiên, các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây đã giáng đòn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Lạm phát của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm. Giới chức Mỹ đang theo dõi sát sao chuỗi cung ứng của Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, vị quan chức tại Bộ Tài chính Mỹ cũng để ngỏ khả năng thắt chặt hơn nữa những biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhất là khi những gián đoạn nguồn cung được cải thiện.
Trên thực tế, tháng trước, các nước phương Tây đã cấp giấy cho phép Nga trả 117 triệu USD lãi trái phiếu. Theo vị quan chức Mỹ, điều này giúp tránh rủi ro vỡ nợ, giảm thiểu rủi ro đối với những ngân hàng phương Tây, trái chủ và các chủ nợ khác.
Sự phục hồi giả tạo của đồng RUB
Nền kinh tế Nga đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo vị quan chức tại Bộ Tài chính Mỹ, sự phục hồi bất thường của đồng RUB là do những nỗ lực của Moscow nhằm nâng giá đồng tiền.
Sau khi giá đồng RUB bật tăng nhanh chóng, một số nhà quan sát cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây là chưa đủ sức nặng đối với nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, nói với CNN, vị quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định nền kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái và bị đè nặng bởi áp lực lạm phát.
Giá cả hàng hóa tăng cao vì xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Điều này đè nặng lên người tiêu dùng Nga. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả khi đồng RUB tăng giá trở lại, sức mua của đồng tiền vẫn giảm đi bởi giá cả tại Nga tăng vọt.
CNN cũng đưa tin giới chức Nga đã tìm cách đẩy giá đồng RUB trong thời gian qua. Họ yêu cầu các nhà xuất khẩu hoán đổi 80% doanh thu ngoại tệ sang đồng RUB, cấm những nhà môi giới Nga bán chứng khoán, không cho phép người dân Nga chuyển khoản ngân hàng bên ngoài Nga.
Những động thái này thúc đẩy nhu cầu đối với đồng RUB một cách giả tạo. Trong những tuần qua, thị trường chợ đen đã xuất hiện nhiều giao dịch đổi đồng RUB lấy ngoại tệ.