Theo CNBC, lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu. Thị trường lao động bớt nóng nhưng không sụp đổ.
Đó là lý do ông Mark Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - tin rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ "lách qua khe cửa hẹp" và thoát khỏi suy thoái.
"Đó sẽ là một cuộc chạy nước rút. Nó chẳng dễ dàng gì. Nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua", ông Zandi bình luận với CNN.
Thoát suy thoái trong gang tấc
Vị chuyên gia trích dẫn các chỉ số kinh tế và thị trường, chỉ ra nền kinh tế không trượt dốc bất chấp những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.
"Các dữ liệu trong vài tháng qua tốt hơn tôi tưởng. Không một chỉ số nào trên thị trường tài chính cho thấy chúng ta sắp bước vào một cuộc suy thoái", ông lập luận.
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 1/12, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - trong tháng 10 đã tăng 0,2% so với một tháng trước đó và 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của giới quan sát.
Lạm phát đang ở mức vừa phải. Giá dầu vẫn trên đà giảm. Tăng trưởng việc làm chậm lại, làn sóng sa thải đã được bình thường hóa
Ông Mark Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics
Trong tháng 9, PCE tăng lần lượt 0,5% và 5,2%.
"Các dữ liệu được công bố vào ngày 1/5 là một 'báo cáo vàng'. Bởi nó cho thấy lạm phát cơ bản tiếp tục hạ nhiệt", ông Chris Zaccarelli - Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance - bình luận.
"Các thị trường sẽ bật tăng nếu lạm phát tiếp tục giảm. Bởi giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cần đẩy lãi suất lên cao, hoặc giữ lãi suất ở mức cao như những dự báo trước đó", ông giải thích.
Sau 2 quý lao dốc, nền kinh tế Mỹ cũng tăng trưởng nhanh hơn ước tính trong quý III.
Đáng nói, giá xăng - nhóm hàng tác động lớn tới lạm phát - đã giảm mạnh. Giá xăng trung bình trên khắp nước Mỹ thậm chí thấp hơn thời điểm Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
"Lạm phát đang ở mức vừa phải. Giá dầu vẫn trên đà giảm. Tăng trưởng việc làm chậm lại, làn sóng sa thải đã được bình thường hóa", ông Zandi nhận định.
Vẫn còn trở ngại
Dĩ nhiên, kinh tế Mỹ vẫn đang đối mặt với một triển vọng bấp bênh. Có nhiều lý do để lo lắng về một cuộc suy thoái, trong đó có các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Một loạt công ty lớn đã sa thải hàng loạt trong thời gian qua, bao gồm AMC Networks, DoorDash và sàn giao dịch tiền mã hóa Kraken.
Hàng chục nghìn người làm trong lĩnh vực công nghệ mất việc. Các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Twitter và Meta - công ty chủ quản của Facebook - cũng phải sa thải hàng loạt để cắt giảm chi phí.
Các nhà máy cũng đang chịu sức ép lớn. Trong tháng 11, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý cung ứng (ISM) chỉ đạt 49%, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với tháng 10 và đánh dấu mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi.
Chỉ số sản xuất của Mỹ lao dốc chủ yếu do lượng đơn hàng đặt trước và nhập khẩu sụt giảm.
Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ rơi vào suy thoái "nhẹ" tương tự giai đoạn 1969-1970. Ảnh: Reuters. |
"Mọi thứ đang tệ đi", giám đốc của một hãng sản xuất thiết bị điện, đồ gia dụng và linh kiện cho biết.
"Số lượng nhà ở đã giảm xuống. Công ty vẫn đang hoạt động tốt so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng tình hình của toàn ngành xấu đi. Tiền của chúng tôi bị mắc kẹt trong những lô hàng tồn", người này chia sẻ.
Một số doanh nhân cho rằng một cuộc suy thoái có thể vẫn xảy ra. Nói với CNN, Giám đốc điều hành của Bank of America Brian Moynihan dự báo nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ vào năm tới.
S&P Global Ratings cũng dự báo vào năm sau, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái "nhẹ" tương tự giai đoạn 1969-1970.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...