Theo CNBC, khảo sát của China Beige Book với 3.300 doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này chậm lại đáng kể trong quý III/2019 trong khi tỷ lệ nợ leo thang.
"Trên khắp cả nước, doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, doanh số và tăng trưởng việc làm đều chậm lại so với quý II. Cả xuất nhập khẩu cũng chịu chung tình cảnh tương tự", báo cáo của China Beige Book khẳng định. Dự báo GDP quý III sẽ thấp hơn mức 6,2% của quý II.
Bloomberg ghi nhận cuộc sống của người dân Trung Quốc ở vành đai công nghiệp phía nam - từ Thâm Quyến (nơi Huawei đặt trụ sở), Nam Ninh (nơi chính quyền phát hành phiếu mua thịt lợn) cho đến Đông Hoản (trung tâm sản xuất quan trọng) - đang trở nên khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với trước đây.
Cờ hoa chào mừng lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc ở Nam Ninh. Thành phố này mới phát hành phiếu thịt lợn, quy định mỗi công dân được mua 1 kg thịt lợn mỗi ngày với giá phải chăng, để đối phó với cuộc khủng hoảng giá thịt lợn. Ảnh: Bloomberg. |
Cuộc sống chật vật
Nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào cảnh "thập diện mai phục". Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, biểu tình dai dẳng ở Hong Kong, giá thực phẩm tăng vọt và tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 30 năm qua là những gánh nặng lớn đang đè lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt vấn đề trong nước và quốc tế. Bất cứ vấn đề nào cũng có thể bùng lên thành khủng hoảng quy mô lớn", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Dennis Wilder thuộc Đại học Georgetown nhận định.
Bloomberg phỏng vấn hơn 50 người ở 3 thành phố thuộc miền nam Trung Quốc. Tất cả đều bày tỏ sự lo lắng về tình trạng giá cả leo thang. Tại chợ Weizilu ở Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây, các tiểu thương than thở họ đang kinh doanh lỗ vì chính sách phát hành phiếu mua thịt lợn của chính quyền thành phố.
"Tiểu thương chúng tôi không thích chính sách này", tiểu thương họ Huang ca cẩm. Chị cho biết lỗ trung bình tới 200 NDT (28 USD) với mỗi con lợn. Nhà chức trách Nam Ninh khẳng định sẽ trợ cấp cho tiểu thương, nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào.
Cuộc khủng hoảng thịt lợn khiến giá cả sinh hoạt tại Trung Quốc tăng vọt. Ảnh: Bloomberg. |
Dịch tả lợn châu Phi thổi bùng cuộc khủng hoảng thịt lợn khắp Trung Quốc, đẩy giá thực phẩm này tăng tới 50% trong tháng 8 vừa qua. Giá các loạt thịt khác như gà, bò và cừu cũng tăng theo. Giới chuyên gia thị trường dự báo tình trạng này sẽ kéo dài cho tới giữa năm 2020.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cho biết nước này thiếu hụt 10 triệu tấn thịt lợn và việc tăng cường nhập khẩu thịt từ nước ngoài cũng không giải quyết được vấn đề.
“Giá thịt lợn tăng quá nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân thành thị và nông thôn, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp”, ông Hồ Xuân Hoa thừa nhận.
"Bóng ma" thương chiến ám ảnh
Trong khi đó, chiến tranh thương mại giống như đám mây đen phủ bóng lên nền kinh tế Trung Quốc. Hai bên đã nối lại đàm phán, nhưng giới quan sát quốc tế không hi vọng Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận thực sự có ý nghĩa.
"Chính quyền Trung Quốc muốn tỏ ra mạnh mẽ trong con mắt của người dân, do đó không thể nhượng bộ về các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng không muốn lao đầu vào một cuộc xung đột nghiêm trọng với Washington. Chính quyền Trung Quốc rơi vào thế lưỡng nan và chưa tìm ra giải pháp", Bloomberg dẫn lời giáo sư Susan Shirk thuộc Đại học California San Diego nhận định.
Đối mặt với hàng loạt khó khăn, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp để kích cầu nội địa. Hàng loạt ngân hàng được khuyến khích cho doanh nghiệp vay tiền để đầu tư vào các dự án hạ tầng.
Kinh tế Trung Quốc đang khó khăn và chính phủ chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, nhà kinh tế Frederic Neumann của HSBC cho biết chính quyền Bắc Kinh không dám đầu tư hạ tầng ồ ạt hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 do lo ngại bom nợ 34.000 tỷ USD bùng nổ. Do đó nước này chỉ có thể đẩy mạnh giảm thuế.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng xử lý khủng hoảng thịt lợn bằng các giải pháp khẩn cấp như xả kho thịt đông lạnh chiến lược, tăng cường chăn nuôi và kêu gọi người dân hạn chế tiêu thụ.
Thực tế là tình hình chưa có nhiều cải thiện. Bắc Kinh thừa nhận nhiều chính quyền địa phương có dấu hiệu che giấu thực trạng khan hiếm nguồn cung và giá cả leo thang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ và khó kiểm soát hơn.