Giữa cơn bão gay gắt từ cộng đồng quốc tế về kinh tế và chính trị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ấp ủ chiến lược tập trung tiềm lực vào thị trường nội địa nhằm vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, chủ trương kinh tế hướng nội của ông Tập đã và đang vấp phải nhiều khó khăn do nhu cầu nội địa kém và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế còn quá nặng nề.
Theo đó, Bộ Chính trị Trung Quốc - cơ quan tối cao của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc tuần trước đã ban hành chiến lược lưu thông kép. Trung Quốc sẽ không quay lưng với thị trường quốc tế, nhưng dựa vào tiêu dùng trong nước nhiều hơn và sử dụng các công nghệ tự phát triển.
Tiêu dùng nội địa suy yếu đặt dấu hỏi cho chủ trương kinh tế hướng nội của chính phủ Trung Quốc. |
Tuy nhiên, chính thị trường nội địa Trung Quốc cũng đang bất ổn tràn ngập. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia, tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc, đã bao gồm tiêu dùng cá nhân và mua sắm của chính phủ, đã giảm 11,4% trong nửa đầu năm. Tổng chi tiêu quốc gia sụt giảm còn 17.200 tỷ nhân dân tệ (2.400 tỷ USD) do ảnh hưởng từ cú sốc virus corona xuất phát từ tỉnh Vũ Hán.
Chi tiêu dành cho tiêu dùng bình quân đầu người giảm 5,9%, xuống còn 9.718 nhân dân tệ (1.392 USD) trong nửa đầu năm. Điều này có nghĩa với dân số 1,4 tỷ người, tổng chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ là 13.600 tỷ USD. Con số này ít hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Fu Peng, kinh tế gia trưởng tại công ty Northeast Securities, nhận định sức tiêu thụ của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với khả năng sản xuất của nước này.
"Người dân Trung Quốc không thể chi tiền nhiều hơn bởi gánh nặng thế chấp và nỗi lo công việc bất ổn và triển vọng thu nhập thấp", ông Fu cho biết trong một ghi chú.
Theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, tỷ lệ đòn bẩy tài chính hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng từ 55,8% lên 59,7% GDP vào cuối tháng 6 khi tỷ lệ vay thế chấp tại các ngân hàng Trung Quốc tăng lên trong khi tín dụng tiêu dùng giảm.
Với ngành sản xuất, nhiều nhà sản xuất trong nước phải dựa vào đơn đặt hàng quốc tế để tồn tại bởi nhu cầu nội địa eo hẹp. Trong số 85 triệu lò vi sóng được sản xuất tại Trung Quốc năm ngoái, có đến 60 triệu lò được xuất khẩu sang nước ngoài.
Thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng đồng thời giảm do cú sốc virus corona chủng mới. |
Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo ở quốc gia đông nhất nhất thế giới thuộc nhóm hàng đầu. Phần đông người dân Trung Quốc phải vật lộn kiếm sống với nguồn thu nhập ít ỏi. Ông He Keng, một cựu lập pháp Trung Quốc, cho biết tại nước này vẫn có hơn 1,1 tỷ người không phải tầng lớp trung lưu và tuyên bố đạt được một "xã hội tương đối toàn diện" của Trung Quốc trước đó là khá vội vàng.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy nước này có khoảng 400 triệu người thu nhập từ 2.000 - 5.000 nhân dân tệ/tháng (6,5 - 16,5 triệu VND) - thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội. Tuy nhiên, số người có thu nhập thấp dưới 1.000 nhân dân tệ/tháng (3,4 triệu VND) là 600 triệu người.
Ưu tiên của Trung Quốc trong chiến lược lưu thông kép sẽ là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhằm khơi dậy nhu cầu trong nước. Đây là bài học từng rất thành công của chính quyền Bắc Kinh trong quá khứ để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận định mục tiêu tăng nhu cầu nội địa sẽ rất khó khăn nếu Trung Quốc không từ bỏ mô hình phát triển truyền thống.
"Thay vì chấp nhận thay đổi hướng đi, Trung Quốc dường như đang tăng cường mô hình do nhà nước lãnh đạo hiện có", nhà kinh tế học nhận xét.