Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế bất ổn, người Trung Quốc tăng mua mì ăn liền

Theo SCMP, sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh số bán mì ăn liền tại Trung Quốc đã củng cố luận điểm rằng người tiêu dùng đang nhịn ăn nhịn tiêu vì lo ngại về triển vọng kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đang trông đợi vào nhu cầu cao của người dùng nước này để vực dậy nền kinh tế nước nhà trong cuộc chiến với Mỹ. Nếu người dùng không còn chi tiêu, điều đó đồng nghĩa với việc cuộc suy thoái sẽ đến với quốc gia này nhanh hơn dự kiến.

Tiêu thụ mì ăn liền tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong bắt đầu sụt giảm sau năm 2014, một phần bởi dịch vụ giao đồ ăn giá rẻ đang được các công ty khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Doanh số bán mì ăn liền giảm xuống 38,5 tỷ khẩu phần vào năm 2016, nhưng đã tăng lên hơn 40 tỷ khẩu phần trong năm ngoái, tương đương hơn 38,8% tổng doanh số toàn cầu, theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới.

Giới phân tích dự đoán rằng con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm nay.

Kinh tế lao đao, mì ăn liền trở lại 

Mì ăn liền là sản phẩm tiêu dùng mang tính biểu tượng của quá trình công nghiệp hóa thần tốc của Trung Quốc trong 40 năm qua.

Doanh số mì ăn liền tăng mạnh đi liền với sự gia tăng của tầng lớp công nhân, và tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu giảm tốc. Bởi họ thường lựa chọn những thức phẩm cao cấp thay vì mì gói.

Do mức độ phổ biến và tầm quan trọng, doanh thu mì ăn liền và xe hơi thường được sử dụng để đo lường mức chi tiêu của người dùng Trung Quốc.

Kinh te Trung Quoc anh 1
Sự trở lại của mì ăn liền cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang giảm chi tiêu. Ảnh: SCMP.

Doanh số bán xe khách của Trung Quốc giảm 14% trong vòng 15 tháng tính đến tháng 8/2019, theo Hiệp hội Sản xuất Ôtô Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích coi đây là dấu hiệu của tăng trưởng thu nhập chậm lại, mức nợ tăng cao và nỗi bất an về triển vọng công việc. Những điều này đã khiến người dùng Trung Quốc tiết kiệm hơn.

Cuộc tranh luận tiếp tục diễn ra khi tăng trưởng doanh số bán lẻ tiếp tục giảm tốc trong những tháng gần đây, theo Cục Thống kê Quốc gia. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ thực phẩm tăng 10,6% từ tháng 1 đến tháng 8, cao hơn 7,5% so với tốc độ tăng trưởng chung.

“Trong 5 năm qua, doanh số bán mì ăn liền Trung Quốc đã tăng trưởng lên 40 tỷ gói mỗi năm. Ngành công nghiệp đã có nhiều cải tiến, nhưng sản phẩm vẫn chỉ là mì ăn liền dù nó có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa”, Tao Dong, giám đốc điều hành của Credit Suisse Private Banking Asia-Pacific, bình luận.

“Doanh số bán hàng tăng mạnh không bắt nguồn từ sự thay đổi mang tính bước ngoặt của sản phẩm, mà bởi người dùng đang thay đổi. Những mặt hàng giá rẻ cũng đang phổ biến. Mặt khác, các sản phẩm xa xỉ như xe ôtô bị giảm doanh số. Đằng sau tình trạng này là sự sụt giảm trong nhu cầu người tiêu dùng”, ông Tao Dong nói thêm.

Chính phủ vớt vát niềm tin

Ở chiều ngược lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn nỗ lực bác bỏ ý kiến cho rằng người dùng đang giảm chi tiêu. Thay vào đó, họ giải thích sự tăng trưởng trong doanh thu mì ăn liền là do sản phẩm được nâng cấp. Nhiều phiên bản cao cấp hơn vẫn đang được tiêu thụ.

“Sự trở lại của mì ăn liền và rau bảo quản không phải do người dùng giảm mức chi tiêu, mà là các công ty này đã nắm bắt cơ hội thị trường thông qua đa dạng hóa và bán những sản phẩm cao cấp”, People’s Daily khẳng định.

Tingyi Holding, công ty sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc, cho biết giá trị hàng bán của mì ăn liền đã tăng 3,68% từ năm 2018 lên 1,6 tỷ USD trong nửa đầu năm, theo hồ sơ giao dịch được gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong.

Sự gia tăng chủ yếu do loại mì ăn liền cao cấp có giá đắt hơn một bát mì thịt bò ở một số thành phố của Trung Quốc.

Kinh te Trung Quoc anh 2
Truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ nhận định cho rằng người dùng, động lực chính của nền kinh tế nước nhà, đang nhịn ăn nhịn tiêu. Ảnh: SCMP.

Meng Suhe của Viện Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Trung Quốc khẳng định rằng người dùng Trung Quốc đang chi tiêu mạnh tay hơn, dựa trên sự đa dạng của các loại mì ăn liền.

Theo tính toán của Viện, tổng giá trị hàng bán của 22 nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc đã tăng 3,3% lên 7,2 tỷ USD vào năm 2018, trong khi sản lượng chỉ tăng 0,73% lên 34,4 tỷ gói.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn thua xa so với Hàn Quốc nếu tính trên bình quân đầu người. Ở Trung Quốc, mỗi người tiêu thụ khoảng 29 gói mì vào năm ngoái, trong khi mỗi người Hàn dùng đến 74,6 gói mì.

Tăng trưởng thu nhập bình quân hàng năm của Trung Quốc sụt giảm xuống còn 6,6% trong nửa đầu năm, theo Cục Thống kê Quốc gia. Năm 2014, tỷ lệ này là hơn 8%.

Trong khi đó, các gia đình có thu nhập cao ngày càng giàu có nhờ thu nhập từ đầu tư, thay vì tiền lương.

Kinh te Trung Quoc anh 3
Mì ăn liền là sản phẩm mang tính biểu tượng của quá trình công nghiệp hóa tại Trung Quốc. Ảnh: Daxue.

Tuy nhiên, ngay cả các hộ gia đình giàu có cũng tiêu tiền thận trọng hơn. Báo cáo của công ty tư vấn Hurun Report chỉ ra chỉ số giá tiêu dùng xa xỉ đã sụt giảm 0,3% trong năm nay.

Đây là lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2015.

“Hơn một nửa giỏ hàng hóa của chúng tôi là sản phẩm nhập khẩu. Với sự mất giá của đồng NDT, các sản phẩm nhập khẩu đang trở nên đắt đỏ hơn. Chúng tôi tưởng rằng chỉ số giá này sẽ tăng, nhưng trên thực tế, chỉ số này đã giảm một chút”, Hurun tiết lộ.

Ông Tao của Credit Suisse nhấn mạnh rằng mức tiêu thụ dựa trên kỳ vọng thu nhập tương lai.

“Người tiêu dùng đương nhiên sẽ chi tiêu thận trọng hơn khi triển vọng thu nhập tương lai trở nên không chắc chắn”, ông khẳng định.




Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm