Theo thông tin từ đài CNBC, tính tới ngày 5/1, đã có ít nhất 24 người chết, khoảng 500 triệu cá thể động vật bị chết cháy, hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nơi ở vì vụ cháy thảm khốc tại Australia.
Trước sự việc trên, David Bassan, nhà kinh tế trưởng tại BetaShares Capital, đã đưa ra lời cảnh báo rằng ngoài sự mất mát to lớn về tính mạng và tài sản, người dân Australia cũng nên chuẩn bị tâm lý để đối phó với suy giảm kinh tế trong thời gian sắp tới.
Cháy rừng dữ dội tại Australia thiêu rụi khoảng 500 triệu cá thể động vật, hàng nghìn người phải sơ tán khỏi chỗ ở. Ảnh: NBC News. |
“Thật vậy, dưới góc độ vĩ mô thì chắc chắn thảm họa cháy rừng sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng như hiện tại, tạo lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Australia”, Bassan cho biết.
“Điều quan trọng là chính phủ sẽ nỗ lực ra sao để thực hiện các chính sách biến đổi khí hậu toàn cầu. Australia sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi biến đổi khí hậu”, ông nói thêm.
Thực tế, Australia đã chiến đấu với các vụ cháy rừng xảy ra diện rộng thuộc bờ biển phía đông trong nhiều tháng qua. Các chuyên gia cho biết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây ra hiện tượng hạn hán kéo dài suốt 3 năm tại xứ sở chuột túi Kangaroo, khiến đất đai nơi đây thêm khô cằn và dễ bị hỏa hoạn.
Thủ tướng Australia Scott Morrison và Chính phủ đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì không quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu trong nước cũng như quốc tế. Nguồn tin Reuters mới đây cho biết, thủ tướng tuyên bố rằng chính phủ Australia cam kết chi ra 2 tỷ AUD trong vòng 2 năm để khắc phục hậu quả của vụ hỏa hoạn.
Theo nhà kinh tế Bassan, cách tốt nhất để kéo nền kinh tế vào lúc này là tác động tới Ngân hàng Dự trữ Australia vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt trong việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, các biện pháp nới lỏng định lượng, mua trái phiếu chính phủ để hạ lãi suất dài hạn cũng nên được chính phủ thông qua và thi hành.