Kinh tế 2013 có những điểm sáng gì?
Lạm phát không quá cao, đồng Việt Nam có giá hơn… được cho là những điểm sáng của kinh tế vĩ mô trong năm 2013.
Đại diện nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nêu quan điểm, triển vọng kinh tế năm 2013 không có nhiều đột biến so với 2012. Nếu có, các dấu hiệu cải thiện sẽ nhìn thấy vào nửa cuối năm, đẩy tăng trưởng GDP cao hơn so với 2012 nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, lạm phát cao có khả năng quay trở lại năm 2013 khiến mục tiêu của Chính phủ đặt lạm phát dưới 6% là mong manh.
Một trong những kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam 2013 là xuất khẩu. Năm 2012, xuất siêu tăng 18,3% so với cùng kỳ 2011. |
“Tăng giá điện vào cuối tháng 12/2012 và điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa 2013 chắc chắn góp phần vào mức tăng giá năm 2013”, ông Thành nhìn nhận. Thông tin này được ông Nguyễn Đức Thành đưa ra trong hội thảo “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách 2013” diễn ra sáng nay (30/1) tại Hà Nội.
5 gợi ý cho chính sách kinh tế 2013 1. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát: theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, điều hành đồng bộ các chính sách khác (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ…), thận trọng với hạ trần lãi suất huy động trong 2013. 2. Phục hồi đà tăng trưởng kinh tế: giảm lãi suất cho vay ra, cung ứng tín dụng ổn định nền kinh tế, chủ động phá giá nhẹ đồng Việt Nam (3-4%) để hỗ trợ xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nợ để kinh doanh dự án hiệu quả, tăng cường hoạt động của quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. 3. Phục hồi thị trường bất động sản: giữ lãi suất cho vay mua nhà 10-12%/năm kỳ hạn 15-20 năm và điều chỉnh theo lạm phát kỳ vọng, giải quyết các thủ tục hành chính pháp lý bất cập, hỗ trợ về thuế đất để giảm chi phí đầu vào, rà soát lại quy trình, cơ cấu lại phân khúc thị trường để phù hợp với nhu cầu. 4. Xử lý nợ xấu: thành lập công ty mua bán nợ tập trung, sắp xếp dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém. 5. Cải cách thể chế kinh tế: Chính phủ cần đưa lộ trình giảm thủ tục hành chính, mệnh lệnh hành chính trong năm 2013, thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch. |
Một số chuyên gia lại băn khoăn về các con số công bố của năm 2012. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh thẳng thắn: “Tôi chưa nhìn thấy điểm sáng gì cho kinh tế trong năm 2013, hoặc là do mắt tôi kém không nhìn được thấy điểm sáng”.
Ông lấy làm bất ngờ với nhiều số liệu công bố về những gì đạt được trong năm 2012, đồng thời lo ngại về các chỉ số xuất nhập khẩu do Tổng cục Thống kê công bố. Số liệu này cho thấy xuất siêu 2012 tăng 18,3% so với 2011, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 7,1%. Ngược lại, hàng hóa trong những năm vừa qua chủ yếu phục vụ cho khu vực doanh nghiệp FDI – sau đó lại dùng cho xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu như máy tính, linh kiện, hàng điện tử, dệt may, giày dép… lại mang nặng tính gia công lắp ráp. Do vậy mà hiệu quả thu về cho nền kinh tế không đáng bao nhiêu.
Nói về sự “lấn át” của khu vực FDI với inh tế trong nước, chuyên gia này bình luận: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dù có tạo ra một phần giá trị tăng thêm để tính vào GDP, nhưng không phải toàn bộ số đó người dân Việt Nam được hưởng mà phần lớn phải chi trả sở hữu cho quốc gia khác”.
Dự báo cho năm 2013, ông Bùi Trinh cho rằng, GDP chỉ có thể đạt được 4-5% nhưng cần lưu ý, trong các năm tới, vốn đầu tư có còn tiếp tục duy trì như tăng trưởng như 2012 hay không. Bên cạnh đó, có thể nhìn thấy nền kinh tế đang suy giảm cả từ phía cung lẫn cầu do nhà đầu tư, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu, khó có khả năng mở rộng sản xuất.
Thậm chí, theo nhóm nghiên cứu của VEPR, nhiều khả năng những mục tiêu đề ra khó có thể đạt được, dự báo ban đầu, lạm phát 2013 có thể cao hơn 2012, hướng tới 10%. Do đó, những ý định cố gắng hạ trần lãi suất huy động năm 2013 cần phải thận trọng.
Lan Anh
Theo Infonet