Lúc này, Huy Hoàng được coi là ngôi sao lớn nhất, nhận nhiều kỳ vọng nhất trên đường đua xanh của Việt Nam. Không chỉ giàu thành tích ở SEA Games, anh còn từng bước lên bục nhận huy chương ở những đấu trường lớn như Asian Games 2018 (một HCB, một HCĐ) và Olympic trẻ 2018 (một HCV).
Vì thế, khi Nguyễn Thị Ánh Viên chia tay đội tuyển bơi Việt Nam, Huy Hoàng phải chịu gánh nặng về mặt thành tích dù chỉ tiêu của đội cũng đã hạ xuống.
Huy Hoàng không chỉ đóng vai trò trụ cột tuyển bơi mà còn là VĐV tiêu biểu bậc nhất của thể thao Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Đẳng cấp của Huy Hoàng
Thi đấu với áp lực là điều không hề dễ dàng đối với bất cứ vận động viên chuyên nghiệp nào. Tuy nhiên, Huy Hoàng đã quá vượt trội so với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á.
Ở nội dung bơi tự do, Huy Hoàng có thể được coi là "vô đối" tại SEA Games 31. Anh dễ dàng giành 2 tấm HCV cá nhân ở các nội dung 1.500 m tự do nam và 400 m tự do nam.
Thậm chí, ở chung kết 400 m tự do nam, Huy Hoàng tạo khoảng cách lớn với đối thủ. Huy Hoàng về nhất với thời gian 3 phút 48 giây 06, hơn người thứ nhì Steve Khiew Hoe Yean gần 4 giây (3 phút 52 giây 03) dù khi mới xuất phát, anh bị đối thủ dẫn trước.
Thành tích này giúp Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games do chính mình tạo ra. Cách đây 3 năm, trên đất Philippines, anh mất 3 phút 49 giây 08 để hoàn thành nội dung 400 m tự do nam.
Sau thành tích cá nhân, Huy Hoàng tiếp tục tỏa sáng để giành thêm HCV đồng đội ở nội dung tiếp sức 4x200 m.
Kết thúc 200 m đầu tiên của Nguyễn Hữu Kim Sơn, Việt Nam xếp sau Singapore (kém hơn một giây). Sau đó, Huy Hoàng tăng tốc mạnh mẽ để đưa Việt Nam vượt lên dẫn đầu sau 400 m (hơn Singapore gần một giây).
Phần bơi của Huy Hoàng có ý nghĩa quan trọng, tạo đà tâm lý tốt để Hoàng Quý Phước, Trần Hưng Nguyên tiếp tục giữ vững, nới rộng lợi thế. Cuối cùng, tuyển bơi Việt Nam giành tấm HCV quý giá.
Đây được coi là tấm HCV bất ngờ, bởi đội tuyển bơi Singapore với kình ngư Joseph Schooling rất mạnh ở nội dung này. Singapore thống trị nội dung này trong 17 năm liên tiếp kể từ SEA Games 2005. Còn Việt Nam cho tới năm 2015 vẫn chưa xuất hiện ở top 3 nội dung này.
Huy Hoàng là kình ngư bơi tự do số một Đông Nam Á. Ảnh: Minh Chiến. |
Huy Hoàng chưa dừng lại
Tổng cộng, ở SEA Games 31, Huy Hoàng đóng góp 3 tấm HCV. Anh chưa dừng lại ở đó. Kình ngư quê Quảng Bình có thể cải thiện thành tích khi anh vào chung kết 800 m bơi tự do nam. Đây cũng là nội dung sở trường của anh.
Theo kế hoạch, sau SEA Games 31, Huy Hoàng còn hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Anh sẽ tiếp tục được đi Hungary tập huấn để chuẩn bị cho ASIAD 19, diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Nếu mọi chuyện diễn ra đúng như dự kiến, Huy Hoàng có thể giành HCV ở kỳ Á vận hội. Bốn năm trước, anh giành được một HCB, một HCĐ. Lần tới, Huy Hoàng còn không vấp phải sự cạnh tranh từ siêu kình ngư người Trung Quốc Sun Yang (bị cấm thi đấu 4 năm vì các tội liên quan đến sử dụng doping).
Kình ngư sinh năm 2000 cho biết anh và ban huấn luyện vẫn theo dõi kỹ tình hình châu Á. Khoảng 3-4 VĐV của Nhật Bản và Trung Quốc có thông số tương đương hoặc kém Huy Hoàng một chút. Bản thân Huy Hoàng cho biết anh đủ khả năng giành HCV ở ASIAD 19.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc với Huy Hoàng là ASIAD 19 bị tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Với những gì đã đạt được, Huy Hoàng có lẽ không cần tiếc nuối quá nhiều. Trong 1-2 năm qua, anh đã thể hiện được sự kiên trì.
Huy Hoàng không được thi đấu, cọ xát nhiều và gặp một số vấn đề về tâm lý sau khi HLV Huang Guohui (Hoàng Quốc Huy) bất ngờ qua đời. Tuy nhiên, kình ngư này đã vượt qua được mọi khó khăn để có thành tích tốt và phá được kỷ lục SEA Games.
"Đó là sự chuẩn bị dài, không chỉ 1-2 tháng mà trong nhiều năm. Thông số kỷ lục hôm nay đúng như kỳ vọng. Đấy là sự kiên trì lớn. Và tôi vui vì mình đã làm được", Huy Hoàng chia sẻ sau khi giành HCV nội dung 400 m tự do.
Ở tuổi 22, Huy Hoàng đang thể hiện được phong độ ấn tượng. Với điểm tựa SEA Games 31, anh sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.