Một chiếc kính mắt hàng hiệu hiện tại, trên các trang web nước ngoài tính bằng giá nghìn USD, về tới Việt Nam thì giá giảm xuống… 1.000 lần, chỉ còn lại “bèo nhèo” vài USD.
Lan tràn từ chợ trời đến “chợ mạng”
Chạy dọc các khu vực chợ đêm tại Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, Hồ Xuân Hương… người dân dễ nhận thấy các sạp hàng chuyên bán kính mắt được giới thiệu là “kính hàng hiệu”. Các sản phẩm giá rẻ được gắn mác từ tây đến ta, từ Tàu đến Việt… đổ đống trên các sạp hàng, đi kèm là những dòng quảng cáo như “giá siêu rẻ”, “hàng thanh lý”, “hàng hiệu xổ rẻ”…
Điểm đặc biệt, dù được giới thiệu là hàng hiệu, với lời quảng cáo mời mọc lại, giá bán lại rẻ đến mức không tưởng.
Ướm thử một chiếc kính mắt được gắn mác Dior tại một sạp hàng trên con đường nhỏ cạnh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), anh T. nhận thấy kiểu dáng sản phẩm thời trang, lại được nhiều khách hàng trong tiệm lựa chọn.
Anh chàng nhân viên chạy ra và giơ cao cái gương to tầm 2 bàn tay và nhanh miệng nói: “Anh thật sành hàng. Đây là mắt kính kiểu dáng mới của hãng Dior đó. Hàng mới về tức thì, gần chục người mua nên vừa hết hàng, em mới bỏ kính mới ra đó”.
Ma trận mắt kính hàng hiệu giá rẻ tại TP.HCM, nhưng chất lượng thì chỉ có người bán mới biết. Ảnh: K P. |
Thuận miệng, nhân viên giật nhẹ kính trên tay người mua và đeo ngay vào mặt để làm mẫu. Thấy khách tỏ ra ưng ý, anh mau miệng rao giá 230.000 đồng không quên kèm lời giải thích: “Mắt kính này hàng hiệu nhưng em bán rẻ lắm. Hàng này là hàng ‘fake 1’ nên nhỉnh hơn tí chút. Còn nếu anh muốn hàng ‘fake 2, 3’ cũng có luôn”.
Nói rồi anh nhân viên tiếp tục trưng ra 2 chiếc mắt kính có kiểu dáng và màu sắc tương tự. Tuy nhiên nhìn kĩ thì chất liệu nhựa không “mượt” như chiếc kính đầu tiên, màu sơn sần sùi và kiểu dáng khá thô.
“2 chiếc này mỗi chiếc chỉ 30.000 đồng, là hàng quán em đổ đống. Nếu anh thích thì có thể mua về xài thử rồi xem chất lượng”, anh nhân viên khẳng định.
Khi anh T. tỏ ý nghi ngờ chất lượng và muốn trả giá, nhân viên tiệm lập tức lấy tay bẻ cong một đầu kính và khẳng định chất lượng hàng không có gì bàn cãi. Thậm chí để check hàng, anh còn lấy tay cào mạnh trên lớp sơn bóng. Cuối cùng, sau một hồi trả giá người bán đã “bán lỗ” chiếc kính này với giá 200.000 đồng.
Không chỉ anh T chấp nhận bỏ ra mức giá đó để sở hữu chiếc kính có phần rẻ, theo khảo sách nhanh của PV, rất nhiều người mua hàng hiện nay ngại bỏ tiền trăm để sở hữu một chiếc kính mắt được cho là chất lượng. Mức giá đưa ra giao động từ vài chục đến 100.000 đồng cho mỗi chiếc kính.
“Kính mắt giờ bán đầy đường, thậm chí để giá 30.000 đồng nhưng trả xuống còn 20.000 đồng cũng bán. Chưa kể mẫu mã cũng đâu có thua kém hàng hiệu, thương hiệu kiểu dáng có đủ. Mua hàng này xài cho khỏe, mất còn đỡ tiếc”, chị Bích, một người đang lựa mắt kính cho biết.
Khi được hỏi về chất lượng, chị Bích thẳng thắn đáp, “tiền nào của đó. Đã chấp nhận giá rẻ thì nếu có hư mắt thì mình ráng chịu. Tuy nhiên, theo tôi biết thì ít ai đeo mắt kính giá rẻ mà hư mắt lắm. Giờ ai mà bỏ ra nhiều tiền mua kính mát làm chi. Hàng hiệu trong tiệm cũng không khác nhiều so với hàng lề đường”.
Fake “thật” và fake “dỏm”
Theo lời gợi ý của chị Bích, PV tìm hiểu thông tin các trang web chuyên bán mắt kính fake trên mạng. Và thật bất ngờ, hàng trăm cửa hàng chuyên rao bán mắt kính với đủ thương hiệu. Theo lời quảng cáo, tất cả đều là hàng fake 1.
Mức giá đối với mỗi loại kính mắt cũng chênh lệch “đủ đường”. Tuy nhiên, chỉ tầm từ 600.000 đồng đổ lại cho một chiếc kính mắt có thương hiệu với cam kết “chất lượng tầm 80% so với hàng hiệu chính gốc”.
Rất nhiều khu chợ tại nước ngoài cung cấp mắt kính giá rẻ cho dân đầu nậu về Việt Nam tiêu thụ với giá sỉ chỉ từ 2.000 đồng/chiếc. Ảnh: Thái Nguyễn |
Liên hệ với một cửa hàng bán mắt kính fake trên đường Hồ Xuân Hương, theo đúng lời hẹn, PV đến cửa hàng để xem chiếc mắt kính có giá 600.000 đồng của thương hiệu Rayban. Chủ quán đon đả mời chào và lập tức lôi một hộp kính nhìn khá sang trọng có in dòng chữ của thương hiệu Rayban, bên trong đầy đủ phụ kiện như khăn lau kính.
“Ngoài Rayban, cửa hàng chị có đủ thương hiệu từ Gentle Monster, Gucci đến Dior, Oliver Peoples, Cast Eyewear, Persol… Muốn mua gì cứ yêu cầu, chị sẽ đặt hàng rồi ship tận nơi cho em”, chủ quán nói thêm.
Để nhận biết, chị còn cụ thể chỉ vào dòng chữ in thương hiệu trên chiếc kính để khẳng định là hàng tốt. Theo chị, mực in nếu không rỗ, tróc vảy mà mượt và êm thì đó mới là hàng thật. Ngoài chi tiết này, kiểu dáng mắt kính cũng quyết định khá nhiều.
Khi hỏi thêm về các loại mắt kính giá rẻ khác, chị cho biết tất cả đều là hàng được các “đầu nậu” đến bỏ mối. Tuy nhiên, khi nhắc đến gốc tích của những chiếc kính mắt, chị từ chối với câu trả lời “nguồn gốc thì chịu”. Chủ hàng chỉ mập mờ rằng hàng được “order thẳng từ nước ngoài về bán nên cứ yên tâm về chất lượng”.
Bên cạnh những loại mắt kính hàng fake “thật”, hàng chợ, hàng nhái, hàng dỏm cũng tràn lan và chiếm số lượng nhiều trong cửa hàng. Dù vậy mức giá siêu rẻ, chỉ 20.000- 70.000 đồng/chiếc nên khách chuộng hơn. Hàng fake “thật” trong cửa hàng có giá “chát” hơn, từ 600.000 đồng trở lên. Chị cũng cho biết hàng fake “thật” không có giá rẻ hơn vì hàng hiệu tính bằng nghìn USD, hàng fake đâu có hơn được (?).
“Hàng fake nhìn vậy chứ cũng không dám chắc. Chị bán hàng mà đôi lúc khách mang mắt kính tới hỏi cũng đâu dám khẳng định có phải là fake 1 hay fake… 1.000. Vậy nên mua cũng cần uy tín mà bán cũng cần tinh tường. Chỗ chị còn chuyên cung cấp mắt kính cho các trung tâm thương mại, plaza, siêu thị nên hàng rất đảm bảo. Chị xem hàng kĩ lắm em cứ yên tâm”, vị chủ này nói thêm.
Ghi nhận của PV, thị trường hiện tràn ngập các loại mắt kính hàng hiệu với giá rẻ, siêu rẻ thậm chí bán… như cho. Các mặt hàng này được bày bán công khai tràn lan trên các vỉa hè với nhiều mức giá không tưởng. Dù vậy, chất lượng những chiếc mắt kính này có thật sự mang thương hiệu như những lời quảng cáo “có cánh” của người bán?
Và liệu nguồn gốc những chiếc mắt kính này được “đầu nậu” lấy về từ đâu?