Hình ảnh 3 thiên hà đang sáp nhập do kính thiên văn Hubble chụp. Ảnh: NASA. |
Hôm 17/2, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố hình ảnh từ kính thiên văn Hubble, ghi lại cảnh 3 thiên hà nằm trong chòm sao Boötes đang sáp nhập. Quá trình này cuối cùng sẽ tạo ra một thiên hà lớn hơn.
"Va chạm của bộ 3 - được các nhà thiên văn học đặt tên SDSSCGB 10189 – là sự kết hợp tương đối hiếm của 3 thiên hà hình thành sao lớn, nằm cách nhau chỉ 50.000 năm ánh sáng", các nhà khoa học của NASA cho biết.
Con số này nghe có vẻ khá xa, tuy nhiên, đối với các thiên hà, đó lại là khoảng cách gần. Các thiên hà lân cận của chúng ta ở xa hơn nhiều. Andromeda, thiên hà lớn gần nhất với Dải Ngân hà, cách Trái Đất hơn 2,5 triệu năm ánh sáng.
Va chạm thiên hà xảy ra khi 2 hoặc nhiều thiên hà tiến đến gần. Đây là hiện tượng không hiếm trong vũ trụ. Kết quả của những vụ va chạm khổng lồ này có thể khác nhau. Chúng có thể hợp nhất để tạo thành một thiên hà mới lớn hơn, như trường hợp mà kính Hubble vừa chụp được, hoặc một thiên hà hủy diệt một thiên hà khác.
Các ngôi sao từ mỗi thiên hà không có khả năng va chạm với nhau do khoảng cách giữa giữa chúng rất lớn. Trung tâm của hầu hết thiên hà đều chứa một lỗ đen siêu lớn và sự hợp nhất của những con quái vật khổng lồ này có thể tạo ra sóng hấp dẫn và khiến các ngôi sao bay chệch hướng.
Thông thường, nếu một thiên hà lớn va chạm với một thiên hà nhỏ hơn, thì thiên hà lớn sẽ lấy đi các ngôi sao và vật chất từ thiên hà nhỏ và giữ nguyên hầu hết hình dạng của nó. Trong những trường hợp khác, lực hấp dẫn khổng lồ liên quan đến vụ va chạm có thể kéo giãn một hoặc cả 2 thiên hà thành những hình thù kỳ lạ.
Thiên hà chứa Trái Đất của chúng ta, Dải Ngân hà, sẽ va chạm với thiên hà Andromeda trong khoảng 4 tỷ năm nữa. Vụ va chạm này cũng có thể liên quan đến thiên hà Triangulum ở gần đó.
Những câu hỏi lớn - Vũ trụ
Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...