Kinh doanh xăng sinh học: PVN cũng kêu khó
Trong khi đối tác nước ngoài ngỏ ý rút vốn khỏi dự án sản xuất xăng sinh học thì PVN chờ đợi có lãi trong kinh doanh mặt hàng này.
Đưa ra thị trường từ tháng 9/2008, xăng sinh học E5 (với thành phần gồm 5% ethanol và 95% xăng A92) vẫn chưa được sử dụng phổ biến dù luôn được bán với giá thấp hơn so với xăng thông thường từ 100 đồng đến 500 đồng/lit. Khảo sát tại 2 cây xăng trên đường Thái Thịnh và Nghĩa Tân, trụ bơm xăng E5 luôn trong tình trạng vắng khách, và trong suốt 2 giờ cao điểm buổi sáng ngày 9/4, không có ai đến mua loại xăng này.
Giá xăng sinh học hiện ở mức 24.450 đồng/lit, chỉ thấp hơn xăng thường 100 đồng. |
Theo anh Hưởng, giám đốc một công ty luật tại đường Thái Thịnh, tuy biết xăng sinh học có thể sử dụng được cho chiếc ô tô của mình nhưng anh chưa bao giờ nghĩ tới việc sử dụng chế phẩm này thay cho loại xăng thông thường. "Không biết xăng sinh học giúp hạn chế khí thải độc hại được bao nhiêu, nhưng nghe tới ethanol - 1 chất dễ cháy - là tôi đã không muốn sử dụng loại xăng này, đặc biệt sau hàng loạt vụ cháy xe có nguyên nhân nghi ngờ là do xăng. Vả lại, tiết kiệm được 100 đồng/lít khi giá xăng ở mức cao như vậy không thể khuyến khích được người dùng", anh Hưởng chia sẻ.
Trong buổi họp báo về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV PVN cũng thừa nhận các dự án sản xuất, kinh doanh loại nhiên liệu này đang gặp khó khăn. Lượng xăng sinh học sản xuất trong năm 2012 chỉ là 25.000 khối, sử dụng trong nước 13.000 khối, còn lại được xuất khẩu. Giá xuất khẩu của mặt hàng này ở hiện là 650 USD/tấn, là mức khá thấp, thậm chí có thời điểm phải bán dưới giá thành, nên không có hiệu quả.
Hiện tại các dự án sản xuất, kinh doanh xăng sinh học E5 tại Quảng Nam, Bình Phước... của tập đoàn và các đối tác nước ngoài đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Thậm chí, tại nhà máy ethanol Bình Phước, phía Nhật đã xin rút do nhận thấy tình hình kinh doanh, cung ứng xăng E5 đã lỗ.
"Chúng tôi đã đề nghị đối tác Nhật ở lại. Trường hợp không đồng ý, họ có thể bán cổ phần cho các đối tác khác còn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không mua thêm vì chúng tôi đã góp vốn 29%", ông Thực cho hay.
Góp cổ phần vào 3 nhà máy xăng sinh học, Chủ tịch PetroVietnam Phùng Đình Thực đánh giá, xăng sinh học có mục tiêu lợi ích hết sức rõ ràng nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, gia tăng giá trị nhiên liệu trong nước nhưng trong thực tế, xăng sinh học lại chưa được người dân sử dụng nhiều. Kỳ vọng vào thời điểm xăng sinh học được áp dụng trên cả nước, các dự án sẽ tốt hơn, người đứng đầu PVN cũng khẳng định: "Thời điểm hiện tại khi E5 chưa phổ biến, các dự án chắc chắn sẽ khó khăn".
hạ Minh
Theo Infonet