Kinh doanh ôtô thêm 'hạn' với tháng cô hồn
Tháng 8, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 7.056 xe, giảm 5% so với tháng 7 và giảm 34% so với cùng kỳ 2011.
Toyota Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam và Isuzu Việt Nam có doanh số bán xe tăng nhẹ so với tháng trước. Còn lại tất cả các DN khác đều giảm doanh số. Giảm mạnh nhất phải kể đến Vinastar (Mitsubishi) trong tháng qua chỉ bán được có 34 xe.
Theo ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA, kinh tế khó khăn vẫn là lý do chính dẫn đến lượng xe bán ra tiếp tục giảm. Tuy nhiên, 2 tuần cuối của tháng 8 trùng với 2 tuần đầu tháng 7 âm lịch là tháng "cô hồn", thời điểm nhiều người tiêu dùng Việt Nam mê tín, cho rằng mua xe trong thời gian này dễ gặp xui xẻo, ra đường dễ bị tai nạn ... nên sản lượng của các hãng bán ra cũng bị giảm theo, mặc dù các cơ quan nhà nước có tăng mua.
Bên cạnh đó, nhập khẩu ô tô trong tháng 8 cũng đạt mức thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính lượng ô tô nhập khẩu về nước trong tháng 8/2012 vẫn chỉ ở mức 2.000 chiếc với kim ngạch khoảng 45 triệu USD.
Doanh số bán hàng của nhiều hàng ôtô giảm mạnh trong nửa cuối tháng 8 do ảnh hưởng của "tháng cô hồn". |
Tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 8 tháng 2012 đạt khoảng 18.000 chiếc, với giá trị 385 triệu USD, giảm 56,3% về lượng và giảm 50,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo VAMA, tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 8 đạt 1.074 xe, giảm 8% so với tháng trước.
Tháng 8 cũng là thời điểm "bão" giảm giá ôtô, diễn ra mạnh nhất. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã giảm từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/xe. Ngoài giảm giá, các DN còn tăng ưu đãi, hỗ trợ tặng quà khách hàng khi mua xe, liên kết với các ngân hàng để triển khai bán xe trả góp, cho vay tiền mua xe với lãi suất thấp... để kích cầu tiêu dùng, nhưng sức mua vẫn rất thấp.
Ông Laurent Charpentier cũng cho biết, nhằm duy trì sản xuất, trong những tháng qua, Ford Việt Nam phải bán hàng không có đồng lãi nào. Theo ông, nhiều thành viên khác của VAMA cũng áp dụng biện pháp bán hàng không lợi nhuận như vậy để duy trì sản xuất, giảm lượng hàng tồn kho. Mặc dù vậy, lượng xe tồn kho tại các DN vẫn khá cao. Toyota VN tồn khoảng 1.600 xe chưa kể tại các đại lý. Các DN khác như Ford, GM cũng có mức kho khoảng 1.000 xe. Theo các DN tiêu thụ giảm, không chỉ tồn kho xe thành phẩm mà tồn kho bộ linh kiện cũng không phải là ít.
Kim ngạch nhập khẩu linh kiện ô tô giảm khiến cho Hải quan cũng thất thu, không đạt chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Chẳng hạn nhập khẩu linh kiện ô tô qua khu vực Hải Phòng 7 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 80 triệu USD, giảm trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ô tô nguyên chiếc chỉ đạt 155 triệu USD, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu sụt giảm mạnh nhất trong số 10 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, thuế suất cao hàng năm ở khu vực Hải Phòng.Theo ước tính của Cục Hải quan Hải Phòng, kim ngạch nhập khẩu ô tô giảm 74% khiến cho thuế giảm tương ứng 7.800.
Các DN hy vọng thị trường sẽ khởi sắc từ tháng 9, cuối năm vốn là giai đoạn sôi động nhất trong năm, nhu cầu về xe thường tăng lên. Hơn nữa triển lãm ô tô lớn nhất trong năm sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 tại Hà Nội, tại đây sẽ có nhiều mẫu xe mới được tung ra, cùng các chương trình khuyến mãi, giảm giá giúp tiêu thụ xe tăng lên.
Thất thu ngân sách Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số sản xuất của ngành sản xuất xe có động cơ 8 tháng năm 2012 đã giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số tiêu thụ còn có mức sụt giảm lớn hơn khi âm 23,3%; trong khi đó, chỉ số tồn kho lại tăng 11,1%. Với doanh số bán thấp, theo tính toán, thì nguồn thu từ ô tô năm nay sẽ giảm mạnh, đặc biệt là tại các địa phương có DN ô tô, như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Nam... Chẳng hạn tại Vĩnh Phúc, với sản lượng tiêu thụ 30.000 xe, năm 2011, riêng Công ty Toyota Việt Nam nộp ngân sách tỉnh khoảng 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 8 tháng đầu năm nay, Công ty Toyota Việt Nam chỉ bán được 14.000 xe, nộp ngân sách trên 7.000 tỷ đồng, chưa bằng 6 tháng của năm 2011. |
Theo Vietnamnet