Anh Đào Tiến Dũng (2440/55 đường Song Hành, quận 12, TP.HCM) cho biết do không có thời gian đến các trung tâm mua sắm nên đã đặt mua một chiếc tủ lạnh và máy ép trái cây tại trang điện tử Cdiscount. Khi vận chuyển tới nhà anh, với lý do xe tải lớn không thể chạy vào trong hẻm để giao hàng nên nhân viên chỉ có thể giao từ đầu hẻm.
“Tôi đồng ý và mở cổng đợi sẵn, nhân viên sẽ hỗ trợ giao vào nhà nhưng họ chỉ đứng nhìn và yêu cầu khách hàng phải tự ra đem hàng vào”, anh Dũng bức xúc.
Tâm lý chung của khách đi mua sắm ở siêu thị là sớm được “giải phóng” khỏi quầy tính tiền. |
Tương tự, khi đặt mua một máy ép trái cây cũng tại trang điện tử này, anh Tuấn (quận 12) yêu cầu phải báo trước một ngày khi giao hàng nhưng cuối cùng đành chấp nhận phương án báo trước một giờ do nhà phân phối đưa ra. Tuy nhiên vào hôm sau, nhân viên giao hàng gọi điện cho biết hàng đã được chuyển tới địa chỉ nhà anh và yêu cầu nhận hàng ngay. Sau khi nghe anh Dũng bảo rằng đang ở xa, không về kịp, nhân viên giao hàng liền phán: “Anh muốn tới kho của tụi em nhận hàng hay sao?”.
Không riêng gì câu chuyện giao - nhận hàng ở các trang bán hàng điện tử, cách điều hành dịch vụ cứng nhắc tại một số siêu thị cũng gây ra bức xúc không kém cho người tiêu dùng. Anh Sơn (quận 12) cho biết vừa mua hàng ở một siêu thị trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) vào khoảng thời gian sau khi tan sở, gần 18h.
Khách hàng đổ về mua sắm bắt đầu đông và các quầy tính tiền vì thế cũng chật chội. Tuy nhiên, gần 20 quầy tính tiền tại siêu thị này nhưng chỉ có 5 quầy hoạt động. Khách hàng phải đổ về 5 quầy này xếp thành hàng dài chờ tới lượt tính tiền. Một số khách hàng bức xúc nên đến quầy dịch vụ khách hàng của siêu thị để hỏi, nhưng lại nhận được câu trả lời: “Do vào thời điểm giao ca nên nhân viên đi ăn hết, không còn nhân viên để phục vụ”.
Đại diện chăm sóc khách hàng của Cdiscount cho biết đang thuê một bên thứ ba để thực hiện việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Theo hợp đồng, trước khi giao hàng, đơn vị vận chuyển phải gọi điện cho người mua để xác nhận địa điểm, thời gian nhận hàng sao cho thuận tiện nhất. Sau khi nhận, người tiêu dùng kiểm tra hàng, xác nhận có lấy món hàng đó hay không mới trả tiền, hoặc có quyền từ chối trả tiền và trả lại hàng. “Lỗi ở đây là do đơn vị giao nhận, chúng tôi sẽ làm việc ngay với các đơn vị vận chuyển để hạn chế tình trạng này tái diễn”, vị này nói.
Trong thời điểm sức mua ngày càng giảm do kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm chi tiêu, ngày càng nhiều đối thủ tranh giành thị phần, cái khó cứ chồng chất lên ngành bán lẻ, lẽ ra các nhà bán lẻ muốn kéo được khách phải chăm sóc tốt khâu dịch vụ. Nếu không, nhà bán lẻ sẽ bị khách hàng bỏ rơi, tìm đến những doanh nghiệp khác có dịch vụ tốt hơn.