Khi tôi và Lee Nguyễn đứng trên sân, chúng tôi cảm thấy mình có thể làm được mọi thứ. Nói cho các bạn biết, tôi và Lee, chúng tôi hay hơn tất cả, hay nhất lịch sử V.League này.
- Cậu muốn gia hạn hợp đồng hả? Cho tôi một lý do đi.
“Boss” (Chủ tịch CLB Hải Phòng - PV) hất hàm, hỏi tôi câu đó. Tôi gật đầu, ngầm đồng ý.
Chiều hôm đấy, tôi ra sân, ghi một bàn tuyệt đẹp từ chấm đá phạt. Tôi nhớ khoảng cách phải là 40 m. Cổ động viên trên sân phát điên. Họ không được thấy bàn thắng đó nhiều lần ở Việt Nam.
Nhưng tôi không chạy về phía họ. Tôi phi về ban huấn luyện, hướng về khán đài A. Dang rộng hai tay, tôi nhìn thẳng vào khán đài VIP. Đây là câu trả lời của King Leandro.
Hôm đó là trận Hải Phòng gặp SLNA ở mùa giải 2009.
Tôi từng không biết bất kỳ một điều gì về Việt Nam.
Ngày tôi nói chuyển tới Việt Nam thi đấu, bạn bè ở Brazil đều bảo: “Mày điên rồi sao? Tại sao mày phải chơi bóng ở một nước như Việt Nam”.
Nhưng tôi vẫn đồng ý.
Bạn thắc mắc vì sao một tuyển thủ U23 Brazil lại đi nửa vòng trái đất tới Việt Nam chơi bóng? Để tôi trả lời. Vì tiền.
Năm 2007, tôi đang khoác áo Matsubara dự một giải giao hữu ở Bình Dương. Sau giải đó, nhiều cầu thủ Matsubara đã ký hợp đồng với những CLB Việt Nam. Tôi cũng vậy. Trước đó, người đại diện của tôi từng làm việc với một số CLB Tây Ban Nha. Họ đưa ra vài lời đề nghị nhưng tôi chưa đồng ý. Cuối cùng, tôi chọn Hải Phòng.
Tôi không thể nói với bạn con số cụ thể, đó là chuyện tối mật. Nhưng số tiền Hải Phòng trả nhiều gấp đôi thu nhập của tôi ở Brazil. Và tôi nói bạn nghe, những gì tôi trả lại là đáng đến từng xu.
Tôi không nhớ nổi mình đã ghi bao nhiêu bàn cho Hải Phòng, nhưng chắc chắn rất nhiều đấy (30 bàn sau 3 mùa giải ở vị trí tiền vệ công - PV). Tôi đã ở đó tận 3 năm mà. Tôi tin rằng cho tới giờ, chưa ai tái hiện nổi những điều tôi từng làm ở Hải Phòng. Bóng đá Việt Nam vào thời của tôi thực sự bạo lực. Các cầu thủ chơi tiểu xảo liên tục và dễ dàng lao vào đánh nhau. So với Thai League là nơi tôi đến sau này, V.League khó chơi hơn. Nhưng họ không thể cản nổi tôi ghi bàn.
Bóng đá Thái Lan sử dụng nhiều kỹ thuật nhưng bóng đá Việt Nam giàu tính chiến đấu hơn. Cũng bởi vì thế, ghi bàn ở Thái Lan dễ hơn tại Việt Nam. Nhìn chung, cả hai giải đấu đều không làm khó tôi được. Tôi sút tung lưới đối phương dễ dàng, thậm chí có nhiều bàn thắng đẹp.
Chỉ vài tháng sau khi tôi tới đây, họ bắt đầu đặt chữ “King” trước tên Leandro. Không biết báo chí hay người hâm mộ đã làm điều đó. Nhưng tôi yêu biệt danh này. Nhiều năm sau, khi tôi tới Thái Lan, người hâm mộ Singhtarua cũng gọi tôi là “King Leandro”.
Nhiều hôm, trận đấu đã kết thúc 1, 2 tiếng nhưng tôi không thể ra về vì cổ động viên Hải Phòng đứng chờ quá lâu. Có người muốn chia vui, kẻ muốn ôm, muốn chụp ảnh, kẻ khác còn muốn đánh tôi. Thật cuồng nhiệt, tôi có quá nhiều người mến mộ. Nhiều lần, khi tôi đi ăn nhà hàng, họ nhận ra và ào tới xin chụp ảnh. Tôi luôn thấy choáng ngợp khi nhớ lại những điều đó. Tôi cảm thấy mình là một siêu sao.
Tôi thấy mình giống Eric Cantona, một nhà cách mạng và truyền giáo bóng đá, giống như điều tôi đã làm ở V.League.
Nhưng giấc mộng đẹp không kéo dài mãi mãi. Cuối mùa 2010, tôi chia tay Hải Phòng.
Có vài lý do khiến tôi quyết định ra đi. Nhiều chuyện đã xảy ra khi Hải Phòng đưa về Lazaro (Lazaro Paulo De Sousa, chuyển tới từ Quân khu 4 - PV). Sự xuất hiện của anh ta làm tôi phải cạnh tranh nhiều hơn. Điều đó làm tôi mệt mỏi bởi khi ấy, vợ cũ của tôi đang mang thai, tôi cũng cần thêm nhiều tiền để chăm sóc gia đình.
Thế nên, khi Bình Dương ngỏ lời với mức đãi ngộ tốt hơn Hải Phòng, tôi không có lý do để từ chối. Trước ngày tôi đi, Chủ tịch Hải Phòng bảo sẽ tăng lương ngang với con số mà Bình Dương trả cho tôi. Nhưng họ không hiểu, vấn đề lớn nhất của tôi là mâu thuẫn với anh chàng kia? Tôi không thể ở lại nữa, tôi phải đi.
Tôi tưởng tới Bình Dương, mọi thứ sẽ ổn. Nhưng tôi đã nhầm.
Điều tương tự cũng diễn ra khi tôi đến đây. Có một cầu thủ Bình Dương (Philani - PV) nghĩ rằng anh ta là “super star”, và giữ lối cư xử y như vậy trong phòng thay đồ. Tôi cũng gặp vấn đề với HLV Lê Thụy Hải. Ông Hải từng bảo khi đến đây, tôi không còn là ngôi sao đâu. Tôi và ông ấy nhiều lần bất đồng. Sau vài tranh cãi, tôi thấy mệt mỏi và không chịu được nữa. Tôi quyết định rời Bình Dương chỉ sau một năm.
Sau này, tôi luôn hối hận. Lẽ ra, tôi phải ở lại Hải Phòng.
Khi cảm thấy mọi chuyện trở nên tồi tệ ở Bình Dương, tôi từng có ý định quay lại Hải Phòng. Nhưng tôi không chắc ban giám đốc CLB còn cần mình nữa? Tôi băn khoăn không biết mình còn được đối xử như một siêu sao?
Tôi đã nói với nhiều người rằng mình muốn trở lại Hải Phòng. Nhưng tôi cảm giác họ không thích tôi nữa. Tôi biết người hâm mộ vẫn yêu mến, muốn tôi trở lại và muốn tới sân xem tôi chơi bóng. Nếu King Leandro trở lại, đó sẽ là điều tốt cho Hải Phòng. Nhưng chẳng có lời mời nào cả, cuộc phiêu lưu của tôi ở Việt Nam đã dừng lại tại đây.
Tôi tự hào vì sự nghiệp của mình đã được chơi bóng cho đội tuyển vĩ đại và có những đồng nghiệp xuất chúng.
Tôi từng khoác áo Olympic Brazil dự Pan American Games 2003. Tôi được đá trận gặp Colombia và ghi một bàn. Mọi người không biết rằng tôi có thể chơi bóng nhiều vị trí từ hậu vệ cánh, tiền vệ tới tiền đạo. Ngày còn ở Brazil, tôi đá hậu vệ trái vì đó là vị trí giúp tôi dễ dàng có suất lên tuyển U23. Nhưng khi sang Việt Nam và Thái Lan, tôi trở lại vị trí yêu thích để tấn công và ghi bàn.
Năm 2009, tôi được chơi một trận cùng Denilson (cầu thủ đắt giá nhất thế giới năm 1998 - PV). Hôm ấy, chúng tôi gặp HAGL. Bạn có nhớ bàn thắng duy nhất của anh ấy không? Tôi chính là người nhường cho Denilson dứt điểm. Anh ấy đã 32 tuổi nhưng tôi biết đó là một bậc thầy. Tôi ghé tai anh ấy và bảo: “Không cần chuyền bóng đâu, anh có thể ghi bàn từ chỗ này, hãy tự tin lên”. Và thế là Denilson ghi một bàn rất đẹp. Nhưng mọi người đã quên một điều, tôi cũng ghi bàn ở trận đó, và cũng là một cú sút phạt tuyệt đẹp.
Một ngôi sao khác mà tôi từng sát cánh là Lee Nguyễn.
Nhiều năm rồi, người ta vẫn hiểu nhầm về chúng tôi. Hãy nghe này, tôi không có mâu thuẫn với Lee Nguyễn.
Mọi người cứ nghĩ hai chúng tôi làm sao chơi cùng nhau trong một đội bóng? Nhưng không phải vậy, Lee là bạn thân, bạn thân nhất của tôi ở Bình Dương. Ngoài Lee, những kẻ còn lại ở Bình Dương đều không phải người tốt. Tôi và anh ấy đều là những tên tuổi lớn ở Việt Nam vào thời điểm đó. Tôi tin rằng hai chúng tôi ở Bình Dương năm 2011 là hàng công mạnh nhất lịch sử giải đấu. Chúng tôi là “number one”. Nếu được chấm điểm, tôi sẽ chấm cho cậu ấy điểm 10, 10 điểm sân cỏ, 10 điểm nhân cách. Còn tôi ư? Đương nhiên là 10.
Tháng 6 năm ngoái, tôi giải nghệ.
Bây giờ, tôi có một cuộc sống khác bên ngoài sân bóng. Nhờ số tiền tích lũy trong đời, tôi có thể mở một học viện bóng đá trẻ em ở Brazil. Tôi nhận vào trường nhiều học viên tuổi từ 5 tới 7. Tại đây, tôi dạy những đứa trẻ kỹ thuật, cách khống chế, cách dứt điểm. Tôi cũng huấn luyện cho một đội bóng đá bãi biển ở Diadema (Sao Paulo, Brazil). Leandro giờ đã có một kênh YouTube riêng về bóng đá, bóng chuyền và nhiều môn thể thao khác.
Tôi có một con trai và rất yêu nó. Tôi biết mình có thể ở nhà và sống tiếp những tháng ngày bình yên.
Nhưng tôi nhớ bóng đá.
Tôi nghĩ mình vẫn đủ sức để chơi bóng ở Việt Nam và chắc chắn 100% về điều đó. Nếu có CLB nào ở Việt Nam ngỏ lời, tôi sẽ trở lại, nhất là Hải Phòng. Tuổi tác (37 tuổi - PV) không phải vấn đề đâu. Tôi có kinh nghiệm và tôi biết mình vẫn có thể chơi bóng ở đẳng cấp cao như ngày xưa.
Nếu không thể làm cầu thủ, tôi làm HLV cũng được. Tôi có chứng chỉ rồi và sẽ nhận lời nếu Hải Phòng ngỏ lời mời. Nếu có cơ hội dẫn dắt Hải Phòng, tôi sẽ làm nhiều thứ để giúp đội bóng thay đổi, từ chiến thuật, cách chơi tới giáo án hay thậm chí cả áo đấu.
Dù tôi yêu mến Việt Nam rất nhiều, phải nói thật bóng đá của các bạn thiếu chuyên nghiệp lắm. Tôi sẽ lấy một ví dụ. Tại Brazil, nếu bộ quần áo truyền thống của đội là màu vàng thì đôi tất cũng phải màu vàng chứ không thể là trắng hay xanh. Trang phục thi đấu không phải là chuyện nhỏ, bộ quần áo phải đồng bộ từ những điều nhỏ nhất thì mới thể hiện sự chuyên nghiệp. Nền bóng đá của các bạn không có thứ chuyên nghiệp ấy.
Brazil ngày nay có 4 cấp độ chuyên nghiệp. Tôi nghĩ V.League chỉ ngang với hạng C (Campeonato Brasileiro Serie C, giải hạng Ba Brazil - PV). Ở hạng C, các CLB vẫn có nhiều chiến lược phát triển dài hạn. Bóng đá Việt Nam không có những điều đó.
Dù vậy, tôi vẫn yêu Hải Phòng và Việt Nam vô cùng.
Hải Phòng bây giờ có nhiều nhà cao tầng lắm phải không? CĐV ở đây có gì thay đổi không? Với tôi, đó là thành phố tuyệt đẹp.
Nếu Hải Phòng ngỏ lời, tôi sẽ trở lại Việt Nam.