Kim Kardashian, còn gọi là Kim "siêu vòng 3", người đăng ký cái tên "kimono" cho thương hiệu nội y shapewear sắp ra mắt của mình, đã bị chỉ trích nặng nề vì xúc phạm văn hóa Nhật Bản.
Tuy nhiên, nữ hoàng thị phi, ngôi sao chương trình thực tế này lại cho rằng mẫu đồ lót của cô không liên quan gì đến trang phục truyền thống của Nhật Bản. Thậm chí, cô còn nổi nóng trên mạng vì những sự vô tình hoặc cố ý hiểu nhầm này.
Trước lùm xùm, ông Daisaku Kadokawa, thị trưởng thành phố Kyoto, Nhật Bản, đã lên tiếng.
Lá thư Thị trưởng Kyoto Daisaku Kadokawa đăng trên Facebook. Ảnh: Facebook/kadokawadaisaku. |
Kyoto vốn được biết đến là nơi mang cả "hơi thở" truyền thống hòa lẫn hiện đại của Nhật Bản, nơi những geisha và maiko vẫn sinh sống và biểu diễn hàng ngày trong trang phục kimono truyền thống.
Ông Daisaku đã gửi một bức thư tới Kim Kardashian thông qua trang mạng Facebook. Bức thư có nội dung như sau:
"Gửi tới bà Kim Kardashian West với thương hiệu "Kimono Intimates"
Tôi viết thư này để truyền đạt những suy nghĩ của chúng tôi về Kimono và yêu cầu bà xem xét lại quyết định sử dụng cái tên Kimono trong nhãn hiệu của mình.
Kimono là một trang phục dân tộc truyền thống được gìn giữ trong suốt chiều dài lịch sử và văn hóa phong phú của chúng tôi với những nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ của những người đi trước. Nó là một nét đẹp văn hóa được nuôi dưỡng và lưu truyền trong cuộc sống của chúng tôi với sự trân trọng. Ngoài ra, nó còn là kết tinh của sự khéo léo và chân thành, tượng trưng cho vẻ đẹp, tâm hồn và giá trị của người Nhật.
Trong những năm gần đây, chúng tôi nhìn thấy không chỉ người Nhật mà còn nhiều khách du lịch nước ngoài mặc kimono và đi dạo ở Kyoto và các thành phố ở Nhật Bản. Đó là minh chứng cho thấy Kimono - điều mà chúng tôi tự hào - là văn hóa truyền thống của chúng tôi, được mọi người từ khắp nơi trên thế giới yêu thích.
Theo Kim Kardashian West, dòng shapewear mới khai trương ngày 25/6 này “tôn vinh và tạo dáng đường cong của phụ nữ”. Ảnh: Kim Kardashian West/Twitter. |
Chúng tôi đang thực hiện các sáng kiến quốc gia để biến "Văn hóa Kimono" thành biểu tượng cho tinh thần và văn hóa của chúng tôi, điều đã nằm trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Chúng tôi nghĩ rằng cái tên kimono là tài sản đã được chia sẻ với tất cả những người yêu quý kimono và vì thế, nó không nên bị độc quyền.
Tôi muốn bà đến thăm Kyoto, nơi mang đậm nét văn hóa Nhật Bản và có cả Kimono được nuôi dưỡng, để được trải nghiệm những tinh túy của Văn hóa Kimono và hiểu được suy nghĩ và mong muốn mãnh liệt của chúng tôi.
Trân trọng, Daisaku Kadokawa. Thị trưởng thành phố Kyoto".
Lá thư của thị trưởng Kyoto gửi đến Kim Kardashian không chỉ đầy tâm huyết mà còn chứa đựng sự chân thành mãnh liệt. Qua đó, ông đã nói lên mong mỏi của người Nhật về kimono và hy vọng nó không bị một ai đó chiếm độc quyền.
Lời nhắn nhủ càng thấm thía hơn khi cô Kim cùng chồng Kanye đã đến thăm Tokyo trước đó.
Cô Kim Kardashian đăng ký cái tên "kimono" cho thương hiệu nội y shapewear sắp ra mắt và nhận nhiều chỉ trích. Ảnh: AP. |
Bức thư đã được hàng nghìn người dùng Facebook chia sẻ và bình luận.
"Cảm ơn ông rất nhiều".
"Ngài thị trưởng, xin vui lòng cản cô ấy lại bằng mọi giá!".
"Ông nói rất tuyệt. Tôi hoàn toàn đồng ý".
Trong đó, nhiều người đánh giá cao hành động kịp thời của Thị trưởng Daisaku và đứng về phía người Nhật.
Theo Japan Today, đây không phải lần đầu tiên Kyoto lên tiếng về cách tôn trọng văn hóa truyền thống của mình.