Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kim Tuấn chỉ giành HCB dù phá kỷ lục châu Á

Lực sĩ VN xuất sắc phá 2 kỷ lục Á vận hội nhưng vẫn chỉ giành HCB ASIAD do nhà ĐKVĐ Olympic Om Yun Chol lập kỷ lục thế giới mới. Như vậy, đoàn VN mới giành được 2 HCB và 2 HCĐ.

Sau ngày thi đầu tiên, đoàn Việt Nam giành được 2 HCB và 2 HCĐ. Hai tấm HCB thuộc về Nguyễn Hoàng Phương (50 m súng ngắn bắn chậm cá nhân nam) và Thạch Kim Tuấn (cử tạ hạng 56 kg nam).

10 đoàn đứng đầu Asian Games 17.
10 đoàn đứng đầu Asian Games 17.

Hai HCĐ do Nguyễn Tiến Nhật (kiếm chém 3 cạnh cá nhân nam) và đồng đội 50 m súng ngắn bắn chậm (Xuân Vinh- Hoàng Phương - Quốc Cường) mang lại.

Đoàn Việt Nam tạm xếp thứ 9 trên bảng tổng sắp huy chương Asian Games tính đến 19h30 ngày 20/9.

Các VĐV chuẩn bị nhận huy chương.
Các VĐV chuẩn bị nhận huy chương.

Thạch Kim Tuấn tiếc nuối vì không giành được HCV

Lực sĩ 20 tuổi cho biết anh đạt thành tích cao hơn mức 298 kg của Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) trong các buổi tập nhưng việc ép 4 kg khiến Tuấn không vượt được đối thủ.

- Cử tạ: Kim Tuấn phá 2 kỷ lục Á vận hội ở nội dung cử giật (134 kg) và tổng cử (294 kg), nhưng nhà ĐKVĐ thế giới Om Yun Chol lại phá chính kỷ lục tổng cử của Kim Tuấn với mức 298 kg, đồng thời lập kỷ lục thế giới cử đẩy với mức 170 kg. Như vậy, đây là lần thứ hai các lực sĩ VN giành được HCB Asian Games sau lần Hoàng Anh Tuấn đứng thứ nhì hạng cân 56 kg ở Doha 2006. An ủi cho Kim Tuấn là anh cũng phá được kỷ lục châu Á nội dung cử giật với 1 kg hơn kỷ lục cũ của Wu Jingbiao.

HLV Huỳnh Hữu Chí phát biểu sau khi Thạch Kim Tuấn giành HCB: "Tôi rất mừng với sự nỗ lực và thành tích của Kim Tuấn hôm nay. Em đã thi đấu quá xuất sắc nhưng đối thủ lại đạt trình độ quá cao nên đành chịu".

Thạch Kim Tuấn phá kỷ lục châu Á ở nội dung cử giật nhưng Om Yun Chol lập kỷ lục thế giới cử đẩy và kỷ lục châu Á tổng cử.
Thạch Kim Tuấn phá kỷ lục châu Á ở nội dung cử giật nhưng Om Yun Chol lập kỷ lục thế giới cử đẩy và kỷ lục châu Á tổng cử.

18h31: Om Yun Chol tiếp tục phá kỷ lục thế giới của chính mình ở nội dung cử đẩy mới mức 170 kg, đồng thời đạt mức tạ 298 kg tổng cử để giành HCV. Thạch Kim Tuấn đứng thứ hai với 294 kg.

18h27: Om Yun Chol vượt qua mức 166 kg và cũng đạt 294 kg tổng cử như Thạch Kim Tuấn. Tuy nhiên, do cân nặng của lực sĩ Triều Tiên ít hơn nên anh là người giành HCV. Thạch Kim Tuấn chỉ đạt HCB.

18h26: Thạch Kim Tuấn không thành công ở mức 162 kg nên đạt thành tích tổng cử là 294 kg. Nếu Om Yun Chol vượt qua mức 166 kg thì Kim Tuấn sẽ chỉ giành HCB.

18h20: Thạch Kim Tuấn cử đẩy thành công lần thứ hai với mức 160 kg. Như vậy, Kim Tuấn đã chinh phục 2 kỷ lục Á vận hội là cử giật 134 kg và tổng cử 194 kg. Hiện nay, Kim Tuấn đang hơn Om Yun Chol tổng cộng 6 kg.

Ngay sau đó, Wu Jingbiao tiếp tục hỏng ở lần cử đẩy thứ ba nên chỉ đạt mức 155 kg và tổng cử là 288 kg. Đối thủ của Kim Tuấn hiện tại chỉ còn Om Yun Chol.

Trần Lê Quốc Toàn cũng không thành công ở mức 160 kg nên dừng bước ở mức 156 kg và tổng cử là 283 kg.

18h17: Om Yun Chol tiếp tục chứng tỏ tiềm lực của nhà vô địch thế giới khi vượt qua mức 160 kg ở ngay lần đẩy đầu tiên. Wu Jingbiao thất bại ở lần cử đẩy thứ hai với mức 160 kg.

18h14: Thạch Kim Tuấn tiếp tục vượt qua mức cử đẩy 156 kg. Quốc Toàn cũng không chịu kém đàn em khi vượt qua 156 kg ở lần đẩy thứ hai.

18h10: Trần Lê Quốc Toàn rất vất vả mới vượt qua mức 153 kg ở lần đẩy đầu tiên. Có vẻ chấn thương đầu gối vẫn khiến anh chưa lấy lại được phong độ tốt nhất. Wu Jingbiao cũng rất khó khăn mới qua được mức 155 kg.

Quốc Toàn vượt qua mức tạ 153 kg.
Quốc Toàn vượt qua mức tạ 153 kg.

17h58: Các VĐV tiếp tục bước vào nội dung cử đẩy. Trần Lê Quốc Toàn đăng ký mức tạ khởi điểm là 153 kg, Kim Tuấn là 156 kg, trong khi Om Yun Chol đẩy lên 160 kg. Om Yun Chol hiện giữ kỷ lục thế giới với mức 169 kg.

17h47: Thạch Kim Tuấn nâng mức tạ lên 134 kg và thành công. Kim Tuấn đã phá kỷ lục châu Á và kỷ lục Á vận hội đúng 1 kg. Kỷ lục cũ 133 kg do chính Wu Jingbiao nắm giữ.


Như vậy, Kim Tuấn tạm dẫn đầu sau lượt thi cử giật với mức 134 kg. Tiếp theo là Wu Jingbiao (133 kg), Om Yun Chol (128 kg), Trần Lê Quốc Toàn (127 kg).


Hình ảnh Thạch Kim Tuấn phá kỷ lục châu Á và Á vận hội. Ảnh: Hồng Vân.

17h45: Wu Jingbiao vượt lên với mức 133 kg sau lần giật thứ ba.

17h40: Thạch Kim Tuấn đã thành công ở lần cửa giật thứ hai và vượt qua 130 kg. Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) thất bại ở mức 131 kg và chỉ đạt được mức 128 kg, kém Kim Tuấn 2 kg. Om Yun Chol là đương kim vô địch Oympic và thế giới.

17h37: Thạch Kim Tuấn thất bại ở lần cử giật đầu tiên ở mức 130 kg. Có vẻ như Kim Tuấn quá căng thẳng. Trong khi đó, Wu Jingbiao (Trung Quốc) đã vượt qua mức này ở ngay lần đầu tiên. Áp lực đang đè lên Thạch Kim Tuấn.

17h34: Trần Lê Quốc Toàn tiếp tục thi đấu thành công ở lần cử giật thứ ba với mức 127 kg. Ngay sau đó, Om Yun Chol vượt qua 128 kg ở lần giật thứ hai.

17h26: Quốc Toàn đẩy mức tạ lên 124 kg ở lần giật thứ hai và thành công. Hiện nay, 2 VĐV Thạch Kim Tuấn và Wu Jingbiao vẫn chưa vào cuộc.

Quốc Toàn vượt qua lần giật thứ hai với 124 kg.
Quốc Toàn vượt qua lần giật thứ hai với 124 kg. Ảnh: Hồng Vân

17h 23: Trần Lê Quốc Toàn mắc lỗi kỹ thuật nên không vượt qua mức tạ 123 kg. Trong khi đó, Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) dễ dàng vượt qua mức tạ này.

17h: Các lực sĩ hạng 56 kg nam bước ra chào khán giả. Rất đông người Việt Nam đang có mặt tại địa điểm thi đấu để cổ vũ cho 2 lực sĩ Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Có tổng cộng 8 VĐV tranh tài, Trần Lê Quốc Toàn đăng ký mức cử giật khởi điểm là 123 kg, còn Thạch Kim Tuấn đặt mức khởi điểm lên tới 130 kg.

Các lực sĩ chào khán giả. Ảnh: Hồng Vân.
Các lực sĩ chào khán giả. Ảnh: Hồng Vân.

16h: Nữ lực sĩ Đỗ Thị Thu Hoài thi đấu không thành công khi chỉ đạt mức 173 kg, đứng thứ 8 ở hạng 48 kg nữ.

- Theo quyết định của Ủy ban Olympic châu Á (OCA) trong cuộc họp ngày 20/9, thành phố Palembang (Indonesia) đã chính thức được trao quyền đăng cai Asian Games 18 diễn ra vào năm 2018 thay cho thành phố Hà Nội. Trước đó, Hà Nội đã giành chiến thắng áp đảo trước Palembang trong cuộc bỏ phiếu tại Macau nhưng sau đó thủ đô Việt Nam rút lui vì những khó khăn khách quan.

Đấu kiếm: Với việc Tiến Nhật liên tiếp vượt qua 2 đối thủ mạnh của Kazakhstan để tiến vào bán kết, đấu kiếm Việt Nam đã lần đầu tiên giành được huy chương ở đấu trường Asian Games. Trong trận bán kết, Tiến Nhật phải dừng bước trước đối thủ Hàn Quốc Park Kyoungdoo với tỷ số 8-11 nên giành HCĐ. Như vậy, đoàn TTVN đã giành được 1 HCB và 2 HCĐ.

Đấu kiếm Việt Nam lần đầu có huy chương tại Asian Games.
Đấu kiếm Việt Nam lần đầu có huy chương tại Asian Games.

14h: Ở bảng B nội dung kiếm 3 cạnh cá nhân nam, Nguyễn Tiến Nhật thắng Mikhail Ivanov (Kyrgyzstan) 5-2, Batkhuu Bayarsaikhan (Mông Cổ) 5-0, Ali Yaboughian (Iran) 5-1 và thua Dmitriy Alexanin (Kazakhstan) 3-5, Al Tairi (Qatar) 4-5, Park Kyoungdoo (Hàn Quốc) 3-5.

Đến vòng 2, Tiến Nhật thắng Ashkanani (Kuwait) 15-9. Sau đó, Tiến Nhật phục thù trận thua ở vòng bảng trước Dmitriy Alexanin (Kazakhstan) bằng tỷ số sít sao 15-14 để giành quyền vào tứ kết. Trong trận tranh vé vào bán kết với một đối thủ rất mạnh của Kazakhstan khác là Elmir Alimzhanov, Tiến Nhật tiếp tục thi đấu xuất sắc để thắng 8-7.

Đối thủ ở bán kết của Tiến Nhật vào lúc 16h50 lại là đối thủ từng thắng anh 5-3 ở vòng bảng là Park Kyoungdoo (Hàn Quốc). Đây là nội dung sở trường của nước chủ nhà Hàn Quốc khi tại Asian Games 2010, họ giành cú đúp HCV cá nhân và đồng đội.

Cũng ở bảng E nội dung này, Nguyễn Phước Đến cũng đứng thứ tư trong bảng. Tuy nhiên, anh phải dừng bước ở vòng 2 sau khi thua Aldawood (Ả-rập Xê-út) 12-15.

12h: Nguyễn Thị Thanh Loan vượt qua Pertamasary (Indonesia) với tỷ số 5-2 ở vòng loại nhóm A nội dung kiếm chém cá nhân nữ. Tiếp đó, Thanh Loan thắng Ariunzaya (Mông Cổ) 5-1 và thua 3 trận còn lại trước Kim Jiyeon (Hàn Quốc) 3-5, Li Fei (Trung Quốc) 4-5 và Lau Ywen (Singapore) 4-5. Thanh Loan đứng thứ ba trong bảng sau Kim Jiyeon (Hàn Quốc)  và Li Fei (Trung Quốc). Ở vòng 1/8, Thanh Loan thắng Emura Misaki (Nhật Bản) với tỷ số 15-11 để giành quyền vào tứ kết. Tuy nhiên, vấp phải đối thủ quá mạnh Shen Chen (Trung Quốc) ở vòng này nên Thanh Loan thua 6-15.

Ở bảng C kiếm chém nữ, Nguyễn Thị Lê Dung thắng Risa Takashima (Nhật Bản) 5-2 và thua Au Shin Ying (Hong Kong) 2-5, Lee Rajin (Hàn Quốc) 4-5, Tamara Pochekutova (Kazakhstan) 3-5 nên bị loại ở vòng đầu.

Xạ thủ Nguyễn Hoàng Phương buồn thiu vì đánh mất HCV ở phút chót. Ảnh: Thu Nga.
Xạ thủ Nguyễn Hoàng Phương buồn thiu vì đánh mất HCV ở phút chót. Ảnh: Thu Nga.

- Bắn súng: Tại Asian Games bốn năm trước, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng dẫn đầu đến lượt bắn cuối cùng ở nội dung 25 m súng ngắn ổ quay nhưng việc để súng cướp cò khiến Xuân Vinh mất HCV. Lần này, Nguyễn Hoàng Phương cũng đánh mất HCV ở đúng loạt 2 viên đạn cuối vì không vượt qua áp lực tâm lý. Dù vậy, việc VĐV sinh năm 1986 Nguyễn Hoàng Phương vượt qua hàng loạt nhà vô địch thế giới, Olympic để đứng thứ hai cũng là thành công lớn.

11h: Trưởng đoàn Lâm Quang Thành thưởng nóng cho xạ thủ giành HCB bắn súng Nguyễn Hoàng Phương 10 triệu đồng và 10 triệu đồng khác cho tấm HCĐ của đồng đội môn bắn súng.


Các xạ thủ được nhận thưởng nóng từ lãnh đạo đoàn TTVN và nhà tài trợ. Ảnh: Quang Tuấn.

Bên cạnh đó, Báo Thể thao Văn hóa và Công ty Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH) cũng đã thưởng 30 triệu đồng cho Hoàng Phương và 30 triệu đồng cho đội bắn súng.


Nguyễn Hoàng Phương là gương mặt mới ở phân đội súng ngắn nhưng đã lập công lớn với HCB Asian Games.

10h15: Cả hai xạ thủ của Việt Nam đều có sự khởi đầu rất tốt ở lượt bắn chung kết nội dung 50 m súng ngắn hơi nam. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đang có khởi đầu rất tốt khi đạt 59 điểm sau 6 lần bắn đầu. Xạ thủ Pu Qifeng (Trung Quốc) là người bị loại đầu tiên trong lượt bắn chung kết.

Tính đến 11h ngày 20/9, đoàn Việt Nam tạm đứng thứ tư Asian Games với 1 HCB và 1 HCĐ. HCB thuộc về Nguyễn Hoàng Phương ở nội dung 50 m súng ngắn hơi nam. Đồng đội Hoàng Phương - Xuân Vinh - Quốc Cường cũng giành HCĐ ở môn thi này với số điểm 1.670.

Tiếp đó, bất ngờ lớn đã xảy ra khi đương kim vô địch thế giới Jin Jong Oh bị loại tiếp theo vì số điểm ở chung kết không tốt. Cơ hội cho các xạ thủ Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể khi hàng loạt đối thủ mạnh nhất như tay súng số 1 thế giới Matsuda (Nhật Bản), đương kim vô địch Olympic và thế giới Jin Jong Oh (Hàn Quốc), Pang Wei (Trung Quốc) lần lượt bị loại.

Đến khi chỉ còn 4 tay súng, Nguyễn Hoàng Phương vượt lên dẫn đầu với 131, 5 điểm, còn Hoàng Xuân Vinh đứng thứ ba với 129,7 điểm, hơn 0,2 điểm so với Wang Zhiwei (Trung Quốc). Tuy nhiên, Xuân Vinh chỉ đạt 7 điểm ở viên cuối nên bị loại khỏi vòng tranh chấp huy chương.


Xạ thủ Nguyễn Hoàng Phương (trái) trên bục nhận HCB cùng 2 VĐV Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: Thu Nga.

Sau khi loại Wang Zhiwei (Trung Quốc), Nguyễn Hoàng Phương bước vào lượt bắn cuối với ưu thế 0,7 điểm so với Rai Jitu (Ấn Độ). Nếu bảo vệ được ưu thế này trong 2 viên đoạn cuối thì Hoàng Phương sẽ trở thành nhà vô địch Asian Games.

Đúng ở rào cản cuối cùng, tay súng Việt Nam bị áp lực tâm lý nên chỉ bắn đạt 8,7 và 5,8 điểm, đành nhìn đối thủ vượt  lên giành HCV cá nhân.


Chung cuộc, Nguyễn Hoàng Phương giành HCB với 183,4 điểm, còn Rai Jitu nhờ bắn tốt hơn ở 2 viên đạn cuối (9,6 và 8,4 điểm) nên vượt lên giành HCV. HCĐ thuộc về Wang Zhiwei (Trung Quốc) với 165,6 điểm. Hoàng Xuân Vinh đứng thứ tư nội dung này.

Ở nội dung 50 m súng ngắn nam, đoàn Việt Nam tham dự với 3 xạ thủ là Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Hoàng Phương, Trần Quốc Cường. Bộ ba này giành số điểm 1670 để giành HCĐ nội dung đồng đội, đứng sau 2 đoàn rất mạnh là Trung Quốc (1692 điểm) và chủ nhà Hàn Quốc (1670 điểm, hơn chỉ số phụ so với đội Việt Nam). Số điểm 1.670 cũng vượt 10 điểm so với kỷ lục quốc gia cũ do đội Quân Đội lập tại Cúp quốc gia 2014.

Đồng đội Việt Nam đứng thứ ba với 1670 điểm, sau 2 đoàn Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đồng đội Việt Nam đứng thứ ba với 1670 điểm, sau 2 đoàn Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đánh giá của các thành viên BHL đội bắn súng Việt Nam, đáng lẽ Xuân Vinh và đồng đội đã giành HCB nếu không bắn xuống tay ở lượt cuối. Trước lượt bắn này, đội Việt Nam giành được 1403 điểm, hơn Hàn Quốc đến 14 điểm và chỉ kém Trung Quốc dẫn đầu 7 điểm. Tuy nhiên, việc xạ thủ Trần Quốc Cường chỉ đạt 84 điểm ở 10 viên cuối và Xuân Vinh cũng đạt 90 điểm so với 97 điểm ở lượt trước đó khiến đội Việt Nam để Hàn Quốc vượt lên sít sao.


VN giành HCĐ đồng đội 50 m súng ngắn với số điểm phá kỷ lục quốc gia. Ảnh: Thu Nga.

Cũng ở nội dung này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc phá kỷ lục quốc gia với số điểm 568 ở vòng loại. Kỷ lục cũ 564 điểm mới được Xuân Vinh lập ở Giải vô địch thế giới vào tháng 9/2014 ở Tây Ban Nha.


Các xạ thủ VN trên bục nhận huy chương. Ảnh: Quang Tuấn.

Số điểm này cũng chỉ kém 3 điểm so với kỷ lục Asian Games do Wang Yifu (Trung Quốc) lập tại Busan năm 2002. Xuân Vinh cũng đứng thứ hai ở vòng loại với số điểm ngang với nhà đương kim vô địch thế giới Jin Jong Oh (Hàn Quốc) và chỉ đứng sau vì kém chỉ số phụ.

Kết quả vòng loại nội dung 50 m súng ngắn nam. Xuân Vinh đứng thứ hai, còn Hoàng Phương đứng thứ tám.
Kết quả vòng loại nội dung 50 m súng ngắn nam. Xuân Vinh đứng thứ hai, còn Hoàng Phương đứng thứ tám.

Hoàng Xuân Vinh cùng với Nguyễn Hoàng Phương (557 điểm, đứng thứ 8 vòng loại) giành quyền vào thi đấu chung kết vào lúc 10h15. Cùng lọt vào chung kết còn có 3 xạ thủ Trung Quốc, 1 xạ thủ Ấn Độ, 1 Singapore và ứng cử viên số 1 Jin Jong Oh (Hàn Quốc).

8h: Ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ, các VĐV Lê Thị Hoàng Ngọc, Triệu Thị Hoa Hồng và Đặng Lê Ngọc Mai thi đấu không mấy thành công khi chỉ đứng lần lượt thứ 17, 19 và 38 ở vòng loại. Đồng đội nữ cũng chỉ đứng thứ 8 ở nội dung này.

Judo: Nữ hoàng judo Đông Nam Á Văn Ngọc Tú đã chỉ mất 30 giây để hạ ippon đối thủ Selwee (Myanmar) và giành quyền vào thi đấu tứ kết hạng 48 kg nữ. Đối thủ của Văn Ngọc Tú là Munkhbat (Mông Cổ), nếu thắng cô sẽ giành được huy chương. Trong khi đó, Nguyễn Thị Thanh Thúy (hạng 52 kg nữ) bị thua ippon Jung Eunjung (Hàn Quốc) nên đã dừng bước.

Trong trận tứ kết, Văn Ngọc Tú để thua Munkhbat (Mông Cổ) nên phải thi đấu ở vòng repechage để tranh HCĐ.

- Wushu: VĐV Trần Xuân Hiệp đứng thứ tư ở nội dung Trường quyền nam với 9,57 điểm.

- Cầu mây: Lúc 9h hôm nay, đôi nữ Việt Nam đã thi đấu trận đầu tiên ở bảng B và thắng đối thủ Malaysia 2-0 (21-14, 21-10).

- Rowing:

9h40: Tạ Thanh Huyền về đích thứ 3 trong số 4 VĐV dự tranh đợt thi vòng loại thuyền đơn nữ với thành tích 8 phút 28 giây 53.

9h10: Các VĐV Lê Thị An, Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Hài, Phạm Thị Thảo đứng thứ nhì đợt thi vòng loại của mình với 6 phút 54 giây 62, chỉ kém 56% giây so với đội mạnh nhất châu lục là Trung Quốc. Đây cũng là nội dung mà VN từng giành HCB Asian Games 2010.

8h10: Nguyễn Văn Linh đứng thứ năm trong số 5 VĐV dự vòng loại thuyền đơn nhẹ nam.

8h: Tạ Thị An, Phạm Thị Huyền chỉ đứng thứ năm trong số 6 đôi dự tranh vòng loại nội dung mái chèo lệch đôi nữ.

Chờ đợi Thạch Kim Tuấn mang vàng về cho TTVN

Trong ngày thi đấu chính thức đầu tiên 20/9 của Á vận hội, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) gần như chắc chắc có huy chương, thậm chí HCV với hy vọng lớn nhất đến từ Thạch Kim Tuấn.

Nguyễn Tùng - Hồng Vân

Ảnh: Thu Nga - Quang Tuấn

Bạn có thể quan tâm