So với chèo, tuồng, tuổi đời của cải lương rõ là thua kém. Nhưng trong một thế kỷ hiện diện, loại hình nghệ thuật sân khấu xuất phát từ đờn ca tài tử này luôn tạo được sức hấp dẫn riêng có.
Trăm năm lịch sử đã qua
Xem trong tác phẩm Bước đường của cải lương, ta được biết năm 1920, trên cửa rạp gánh cải lương Tân Thịnh năm 1920 treo đôi câu của soạn giả Lâm Hoài Nghĩa:
CẢI cách hát ca theo tiến bộ
LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh.
GS. Trần Quang Hải khi nói về cải lương đã cho rằng tên gọi của bộ môn nghệ thuật này do câu:
Cải biến kỳ sự,
Sử ích tự thiên lương.
Mà nghĩa của nó được Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 giải thích là “đổi những gì cũ còn lại ra thành những gì mới và hay. Danh từ cải lương được xuất hiện đầu tiên trên bảng hiệu của gánh Tân Thịnh của ông Trương Văn Thông năm 1920” đã được nêu ở trên. Tính ra đến nay, đã một thế kỷ cải lương hiện diện trong ngôi đền nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Tuồng hát cải lương "Bá Ấp Khảo". |
Nói đến cải lương, Việt Nam tự điển ấn hành năm 1931 của Hội Khai trí Tiến Đức giải thích với nghĩa là “Sửa đổi cho tốt hơn”. Ba mươi năm sau, Việt Nam bách khoa từ điển của Đào Đăng Vỹ cũng có định nghĩa tương tự. Còn ngày nay, trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, bản in năm 2010, cải lương là “kịch hát ra đời vào đầu thế kỉ XX, bắt nguồn từ nhạc tài tử, dân ca Nam Bộ”.
Kể từ khi ra đời cho đến nay, cải lương đã được phổ biến rộng khắp nước Việt chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi Nam Bộ nơi nó ra đời. Không chỉ thế, loại hình nghệ thuật sân khấu này còn được quảng bá ra nhiều nơi trên thế giới. Tỉ như năm 1931 gánh cải lương Phước Cương có sự góp mặt của nghệ sĩ Năm Phỉ đã sang Pháp quốc biểu diễn nhân Đấu xảo thuộc địa Paris.
Trong 100 năm ra đời, phát triển và có cả những nốt trầm, cải lương luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả ái mộ cũng như giới văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu nghệ thuật sân khấu. Thời gian vừa qua, đã có nhiều nỗ lực của các giới hữu quan trong nỗ lực phát triển cải lương. Sự quan tâm ấy, còn đến từ những người thuộc nền văn hóa khác, mà ấn phẩm Câu chuyện cải lương thật và đẹp (Beautiful and Real: An oral history of Cải lương) của hai tác giả Hugo Frey và Suzanne Joinson, nghiên cứu viên của Hội đồng Anh là một minh chứng. Thật thú vị là tựa sách, xuất phát từ quan niệm “Thật và Đẹp” trong nghệ thuật cải lương do nghệ sĩ Năm Châu khởi xướng.
Ấn phẩm Câu chuyện cải lương thật và đẹp (Beautiful and Real: An oral history of Cải lương). Ảnh: Trần Đình Ba. |
Tác phẩm được thực hiện qua hình thức phỏng vấn những người gắn với cải lương và quanh đó, có những câu chuyện hậu trường thật xúc động như đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã tâm sự: “Các ngôi sao cải lương hiện tại như Kim Tử Long, Vũ Luân đón nhận mở lòng với khách cũng rất mực nhiệt tình. Phương Hồng Thủy vượt đại dương về trong mấy ngày cũng chỉ với thiện chí giúp nhau lúc khó. Cô Tô Kim Hồng còn may hẳn bộ quần áo mới với cả gilet cho chú Nam Hùng tiếp khách. Những người đã khuất luôn được nhắc tới với lòng trân trọng nhớ ơn. Từ các thầy cô Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, Ba Du… tới Thanh Nga, Út Bạch Lan, Hà Triều, Hoa Phượng, Chi Lăng, Đoàn Bá, Thu An, Ngọc Hương… cả những anh chị ở xa như Diệp Lang, Mỹ Châu”…
Cải lương thật và đẹp
Để có được nội dung ấn phẩm Câu chuyện cải lương thật và đẹp với những góc nhìn, tâm sự riêng khác của các cá nhân được phỏng vấn, hai tác giả thực hiện công việc gấp rút ấy trong thời gian ngắn ngủi chỉ 10 ngày. Trong 10 ngày chạy đua với tiến độ công việc, biết bao câu chuyện đã được kể mà khi đọc, đủ gây nhớ, gây xúc động cho những ai tâm huyết với nghệ thuật sân khấu cải lương. 28 nhân vật được phỏng vấn, 27 câu chuyện nghề, chuyện đời đã được kể với đầy những tình tiết, điểm nhấn thú vị và cũng giàu tình cảm. Họ có thể là nghệ sĩ, là người may phục trang, người mộ điệu… nhưng tất thảy đều có điểm chung, tình yêu dành cho cải lương.
Lịch sử 100 năm cải lương sẽ được hiển hiện đâu đó nơi lời kể của nghệ sĩ Thành Lộc cùng cảm nhận về hai thời kỳ thật sự vàng son của cải lương: Trước 1975 và từ 1975 cho đến thập niên 1980 thì bắt đầu giảm sút. Hay qua tâm sự của Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Hồng Dung, ta biết được nhà thờ tổ của nghề sân khấu của TP.HCM hiện nay ở đường Cô Bắc đã có từ năm 1948. Qua lời nghệ sĩ Kim Cương, nhắc nhớ vào cuối những năm 20 thế kỷ trước, nhiều ngôi sao sân khấu cải lương như Phùng Há, Năm Phỉ, Sáu Ngọc Sương, Bảy Nam, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Nghĩa, Ái Liên, Thanh Tùng, Duy Lân… thành danh được là từ gánh Phước Cương.
Gánh hát Phước Cương đến Pháp biểu diễn. |
Trong khi đó về mặt chuyên môn, chất liệu sáng tác nên các vở diễn theo nghệ sĩ Kim Tử Long thì “Cải lương rất dễ thích nghi và linh hoạt với nhiều dòng văn hóa khác nhau. Có rất nhiều chất liệu kịch bản có thể lấy ra từ văn học và sử Việt hay Việt Nam hóa các tuồng Tàu, Ấn, Nhựt, Pháp, Anh, Miên”. Còn về âm nhạc trong cải lương, nghệ sĩ Thành Lộc cho hay: “Âm nhạc của cải lương có hệ thống ký xướng âm rất khác với âm nhạc Tây phương vì dùng thang âm ngũ cung. Là nghệ sĩ cải lương, bạn buộc phải nhớ hết tất cả cả làn điệu này. Mấy ông thầy đờn (đàn) của cải lương thuộc hết điệu nhạc bằng vào ngón đờn của mình, còn người diễn viên thì phải thuộc bằng ký ức, chứ họ không ký xướng âm được, nhưng chỉ cần người thầy đờn dạo vài nốt hay vài câu nhạc là người diễn viên nhận ra ngay và biết mình phải ca bài bản gì”.
Ở thời nào cải lương vẫn có khán giả hâm mộ nhiệt thành như qua câu chuyện sưu tầm đĩa hát của Lưu Trí Thanh, một người mộ điệu với loại hình nghệ thuật này. Với Leon Lê, đạo diễn của phim Song lang, sở dĩ phim lấy bối cảnh của những năm 80 thế kỷ 20 bởi đó là “khoảng thời gian tôi đã sống và lớn lên ở Việt Nam, và cũng là khoảng thời gian mà đối với tôi cải lương là hay nhất, đẹp nhất”. Và đó cũng là một trong những lý do mà anh viết nên kịch bản cho Song lang. Lại cũng liên quan đến phim này, nghệ nhân phục trang sân khấu Kim Phương cho hay, để may phục trang cho đạo diễn Leon Lê của phim Song lang, phải mất hai tháng ròng rã chăm chút từng đường kim mũi chỉ.
Phim Song lang. |
Những kỷ niệm về cải lương, về duyên nghề cũng được kể trong tác phẩm này. Diễn viên Kim Tử Long còn nhớ tình yêu cải lương… đến từ nhà hàng xóm khi dạo nhỏ nhà Kim Tử Long kế bên nhà nghệ sĩ nổi tiếng Minh Vương, các làn điệu cải lương thấm vào tâm hồn thơ trẻ từ lúc nào không hay để rồi yêu và gắn bó mãi đến giờ. Cũng qua đó, ta biết được người thầy đầu tiên của Kim Tử Long là cô Hai Kim Cúc dạy Kim Tử Long diễn tuồng xã hội. Còn cô Bảy Phùng Há thì dạy tuồng cổ. “Cha mẹ sinh tôi, nhưng người cho tôi nghề với những vai để đời được khán giả thương chính là cô Bảy”.
Yêu cải lương, tâm huyết với nghề, nhưng các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đều có nhiều trăn trở đặt ra với cải lương hiện nay. Nghệ sĩ Thành Lộc cho rằng các nghệ sĩ cải lương xưa tạo nên được nét riêng, độc đáo cho bản thân mình, còn cải lương hiện nay và tương lai “các đào kép hát sẽ nhạt nhòa, họ từa tựa nhau, không có nét riêng.” Đối với đạo diễn Trần Ngọc Giàu, ông đau đáu nỗi lo khi cải lương hiện nay phải cạnh tranh với quá nhiều loại hình giải trí. Đồng thời bản thân cải lương các lớp tuồng tích cũ nhiều, trong khi khán giả có nhu cầu với những vở diễn mang hơi hướng hiện đại.
Lo lắng, trăn trở là thế, nhưng tất thảy ở họ luôn lạc quan vào sự bền vững của loại hình nghệ thuật sâu khấu mang đậm dấu ấn Nam Bộ như niềm tin của nghệ sĩ cải lương Vũ Luân, người “đầu têu” cải lương xã hội hóa đã hỏi mà cũng là trả lời “Cải lương sao mất được?”.