Bên cạnh sự nghiệp văn chương, nhà văn Kim Lân (1920-2007) còn được công chúng biết tới khi tham gia diễn xuất trên sân khấu và nhiều tác phẩm điện ảnh. Vai diễn lưu dấu ấn của ông là lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Nét mặt gầy khô của Kim Lân tương đồng với nhân vật của Nam Cao. Đồng thời, dáng vẻ khiêm nhường của Kim Lân khiến nhiều người gọi ông là “lão Hạc của làng văn”.
Trong buổi tọa đàm kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân diễn ra hôm 16/11 tại Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, đông đảo văn nhân, nhà nghiên cứu đã tề tựu. Tại chương trình, nhiều người chia sẻ kỷ niệm, tưởng nhớ con người nhà văn, đồng thời đưa ra những nghiên cứu, đánh giá về văn nghiệp của Kim Lân.
Ảnh chụp nhà văn Kim Lân của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. |
Nhà văn của những phận đời bé mọn
Nhà văn Kim Lân viết không nhiều, nhưng có những đóng góp đáng kể trong thể loại truyện ngắn về đề tài nông thôn. “Kim Lân viết ít. Nhiều người đã lý giải vấn đề này. Đó là bản lĩnh, là sự tỉnh táo, là thái độ hết sức nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật”, GS.TS Trần Đăng Suyền nói.
Quy luật của nghệ thuật là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Kim Lân đã “men một dòng”, đó là viết về đời sống, phong tục của người nông dân. Chùm truyện ngắn trước 1945 của ông được cho là thuộc hàng những truyện ngắn đặc sắc của văn học Việt Nam.
Với các tác phẩm như Vợ nhặt, Làng, Kim Lân đã tạo dựng được cho mình một tượng đài nghệ thuật, đi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại như một cây bút truyện ngắn tài năng.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể kỷ niệm về nhà văn Kim Lân tại hội thảo. Ảnh: YN. |
GS Phong Lê đánh giá Kim Lân là cây bút của những phận người bé mọn. Trong tác phẩm của ông, các nhân vật đều là người lam lũ, trú ngụ ở những nơi khuất nẻo. Nhân vật là vợ thì là vợ nhặt, viết về xóm thì đó là “xóm ngụ cư”, con thì là “con vợ lẽ”, nếu là kép thì là người “kép già”…
Các nhân vật trong truyện Kim Lân cũng có tên. Đó là anh cu Tràng trong Vợ nhặt, ông chắt Dư, anh Đoàn trong Ông lão hàng xóm… Viết về những kiếp người như thế, nhà văn luôn sử dụng thứ ngôn ngữ văn chương tươi ròng sống động.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, Kim Lân từng kể ông cầm bút vì nhiều nguyên nhân, trong đó có ẩn ức chứa chất trước sự bất công trong đời sống làng quê thời trước cách mạng. Sinh ra ở một miền quê bị trói buộc bởi nhiều hủ tục phong kiến, lại vào thân phận mặc cảm; có lẽ đó là lý do khiến ngòi bút Kim Lân luôn nghiêng xuống những phận người bé mọn.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nói về sự khác biệt trong trang văn của Kim Lân. Ông đánh giá: “Khả năng quan sát đời sống, khung cảnh, con người một cách rất gần và từ bên trong đã làm cho ngôn ngữ văn chương trong truyện ngắn Kim Lân có hình khối, đường nét - khả năng tạo hình của ngôn ngữ văn chương rất hiệu quả trong bàn tay tài hoa của nhà văn… Kim Lân là nhà văn mạnh về trực giác và có khả năng ướm mình vào nhân vật để kể, để tả”.
Ảnh chụp nhà văn Kim Lân của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. |
Người viết tử tế, khiêm nhường
GS Phong Lê nhớ lại ông gặp nhà văn Kim Lân những năm 2000, đó là người “thân hình mảnh khảnh, có phần hom hem, giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi và có phần thều thào do bệnh hen… Cả một đời ngót 90 tuổi, dường như lúc nào ông cũng nhỏ nhẹ, chậm rãi và khiêm nhường như thế, trong cách ăn nói, đi đứng, tiếp xúc, cũng y hệt như chính thế giới nhân vật của ông, những người trong thân phận bé mọn”.
Kim Lân là người “Chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào, càng không sa vào những cuộc đấu đá mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường, một phận người tử tế”.
Trong ký ức nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà văn Kim Lân là người nhỏ nhắn, hiền lành, cởi mở và dễ gần. Ông có duyên kể chuyện, hoạt bát và kể chuyện hài hước.
Tác giả Vợ nhặt là cả một kho chuyện, giai thoại về văn nghệ sĩ lão làng, thế hệ gắn bó với giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám. “Nếu được ngồi hầu chuyện ‘bố già Kim Lân’ thì có lẽ cánh viết trẻ nghe cả ngày không chán”, Nguyễn Việt Chiến nói.
Tôi nghĩ muốn theo đuổi nghề văn thì người viết phải là người tử tế trước đã.
Nhà văn Kim Lân
Tuy nhiên, đức tính ở Kim Lân gây ấn tượng nhất với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đó là sự tử tế. Câu nói trước lúc đi xa của Kim Lân về nghề văn khiến thế hệ cầm bút sau thao thức: “Tôi nghĩ muốn theo đuổi nghề văn thì người viết phải là người tử tế trước đã. Dĩ nhiên, không phải hễ là người tử tế ắt hẳn viết văn hay được. Viết văn phải có cái tài. […] Những hiểu biết về nghề văn là rất cần. Nó nâng tầm nhà văn lên, nhưng nếu để nó khống chế mình, làm mất cái thiên bẩm của mình đi thì nhà văn ấy không còn là chính mình nữa”.
Trong một thống kê cho thấy Kim Lân có 27 truyện ngắn. Với một đời viết, con số đó không nhiều. Nhưng chừng ấy đủ khiến tên tuổi ông đứng ngang những cây bút lừng danh như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao…
Theo nhà phê bình Lê Thành Nghị, Kim Lân “rửa tay gác kiếm” từ sớm là một sự khiêm nhường cần thiết với nhà văn. Kim Lân từng tâm sự: “Viết được thì viết. Không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm”.
Nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng lựa chọn sự im lặng cũng là một thái độ sống tích cực trong lĩnh vực văn chương. Ông hiếm khi đăng đàn ở các hội nghị, hội thảo, ông không ồn ào chỗ đông người.
Khi phụ trách bồi dưỡng nhà văn trẻ ở Hội Nhà văn Việt Nam, ông chỉ thủ thỉ tâm tình, không nói nhiều lý thuyết, sách vở. Điều đó khiến thế hệ sau nhận được những bài học chân thành, kinh nghiệm từ Kim Lân.
Kim Lân càng khiêm nhường bao nhiêu, tầm vóc của ông càng lớn bấy nhiêu. “Kim Lân để lại ấn tượng trong chúng ta bằng cách khác, cái cách của một người lịch lãm, thấm sâu văn hóa làng quê, thấu hiểu bài học làm người, cách của một tài năng độc đáo”, Lê Thành Nghị đánh giá.