Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kim Jong-un quyết tâm cải cách?

Thời gian gần đây, tin đồn Triều Tiên cải tổ kinh tế được mang ra tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là của Hàn Quốc.

Kim Jong-un quyết tâm cải cách?

Thời gian gần đây, tin đồn Triều Tiên cải tổ kinh tế được mang ra tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là của Hàn Quốc.

Phản ứng của Bình Nhưỡng trước những tin đồn như trên là phủ nhận mạnh mẽ. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng cáo buộc Seoul “muốn truyền bá chủ nghĩa tư bản bằng những lời tuyên truyền về kế hoạch cải cách và mở cửa”.

Đại diện của Ủy ban Thống Nhất Triều Tiên mỉa mai tin đồn, cho rằng chúng “lố bịch”. Theo quan chức này, việc chờ đợi để thấy sự cải cách ở Triều Tiên cũng giống như việc đợi mặt trời mọc ở đằng Tây.

Lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, Kim Jong-un đến thăm một cửa hàng bách hóa lớn ở Bình Nhưỡng.

Cải cách - nhu cầu cấp thiết của Triều Tiên

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những phản bác trên, ở Triều Tiên đang xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu chứng tỏ khả năng nước này sắp có những thay đổi thận trọng.

Vấn đề cải cách đang được nhìn nhận như là một nhu cầu bức thiết để đưa Triều Tiên thoát khỏi tình trạng khó khăn, trì trệ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng từ nhiều năm nay. Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Hàn Quốc Yu Woo-ik nhận xét: “Nếu như chúng ta nhìn vào tình hình của Triều Tiên hiện nay, rõ ràng là họ có nhu cầu cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ với các quốc gia nước ngoài".

Thậm chí, những dấu hiệu về khả năng Triều Tiên cải cách trong tương lai gần cũng khá rõ ràng. Bóng dáng cải tổ xuất hiện trong việc nới lỏng sự kiểm soát tư tưởng mà thoạt nhìn, một số thay đổi đơn thuần chỉ mang tính biểu tượng. Trước hết, đó là việc lộ diện người vợ trẻ, xinh đẹp của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trước công chúng. Đây là sự đột phá so với truyền thống giấu giếm chi tiết đời tư của lãnh đạo Triều Tiên.

Lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un đưa vợ đi xem kịch Tây tại Bình Nhưỡng.

Một sự kiện đáng chú ý khác nữa diễn ra vào đầu tháng 7 là buổi hòa nhạc theo phong cách đương đại phương Tây của nhóm Moran, với sự chứng kiến của vợ chồng lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là một sự kiện chưa từng có tại Bình Nhưỡng, nơi người ta vẫn xem nền văn hóa đại chúng Mỹ là biến thái và đồi bại.

Cũng trong tháng 7, vụ Triều Tiên đột ngột bãi nhiệm tất cả các chức vụ của lãnh đạo quân sự có ảnh hưởng nhất của quân đội Triều Tiên là Tổng Tham mưu trưởng Ri Yong-ho gây xôn xao dư luận quốc tế. Bình Nhưỡng giải thích sự ra đi của ông Ri là do vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, giới chức tình báo Hàn Quốc khẳng định, ông Ri mất chức bởi phản đối kế hoạch cải cách kinh tế của nhà lãnh đạo trẻ.

Hiện có tin đồn ông Kim Jong-un kêu gọi tổ chức thảo luận về các lựa chọn cải cách kinh tế và không ngại lắng nghe các phương thức quản lý tư bản chủ nghĩa. Trước đó, ông Kim Jong-un từng nói nhiều quan chức trong chính phủ vì sợ bị trừng phạt nên luôn im lặng mà không dám bộc lộ quan điểm của họ về thực trạng của đất nước.

“Họ không dám nói bất cứ điều gì. Mà dù có những quan điểm cụ thể, họ vẫn sợ bị chỉ trích là tuyên truyền cho tư bản chủ nghĩa”, ông Kim Jong-un nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng có một số dấu hiệu khác bao gồm việc Triều Tiên cho phép phụ nữ mang giày cao gót, được nghe nhạc phương Tây, được mua sắm hàng hóa xa xỉ nhập khẩu… Đặc biệt, ông Jong-un cũng được đánh giá cởi mở hơn và "thoáng" hơn cha khi thường xuyên xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện văn hóa thể thao.

Cải cách theo mô hình nào?

Theo một số nguồn tin, chính quyền Bình Nhưỡng đang xem xét một số nền kinh tế để học tập mà trọng tâm là dân sự hóa kinh tế.

Reuters bình luận, vụ bãi nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Ri Yong-ho, người kịch liệt phản đối các chương trình cải cách là dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên nhiều khả năng cải cách theo hướng xóa bỏ quyền quản lý và quyết định của quân đội đối với nền kinh tế.

Dưới thời cựu Chủ tịch Kim Jong-il, các vấn đề kinh tế của Triều Tiên do quân đội định đoạt và chính phủ không được phép xen vào. Nhưng nay, tình hình đang bắt đầu thay đổi: quyền quản lý kinh tế từ tay quân đội chuyển sang chính phủ dân sự. Một số chuyên gia dự đoán, cách thức để giải quyết vấn đề của là Bình Nhưỡng theo mô hình của Việt Nam hoặc Trung Quốc. 

Về phần mình, Chủ tịch Triều Tiên cũng thừa nhận, khó khăn chính của kinh tế Triều Tiên là không được xây dựng trên các tính toán khoa học. Do đó, ông đề xuất áp dụng bất cứ mô hình kinh tế nào thích hợp với Triều Tiên, bất kể nó là của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga hay Việt Nam. Hiện phương án Trung Quốc được ủng hộ nhiều hơn cả.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) "bãi nhiệm" ông Ri Yong-ho (phải) để rộng đường cải cách?

Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh, đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng đang thúc ép chính quyền Kim Jong-un cải cách. Bắc Kinh quan ngại, nếu không làm vậy, nền kinh tế Triều Tiên sẽ sụp đổ và họ sẽ phải đối mặt với thảm họa làn sóng người tị nạn từ quốc gia láng giềng. Một hậu quả khác dường như còn tệ hơn là, Bắc Kinh sẽ mất đi một đồng minh chống Mỹ mạnh mẽ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực cũng như toàn cầu.

Dấu hiệu chứng tỏ khả năng trên là những thay đổi lớn trong hệ thống quản lý nông nghiệp gần đây của Triều Tiên. Theo đó, chính quyền Bình Nhưỡng giảm mạnh quy mô của các cơ sở sản xuất và vận dụng các yếu tố hợp đồng gia đình. Những động thái này tương tự giai đoạn Trung Quốc bắt đầu cải cách nông nghiệp vào cuối những năm 1970.

Ngoài ra, đầu tháng này, ông Kim Jong-un cũng ca ngợi kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc. Ông khẳng định tầm nhìn dài hạn của nó trùng khớp với mục tiêu mà đảng Lao động Triều Tiên đặt ra: “Phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội cho Triều Tiên.

“Những thành tựu Việt Nam đạt được trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước là động lực cho tiến trình phát triển và xây dựng đất nước của Triều Tiên”, báo chí Việt Nam dẫn lời ông Kim Jong-nam.

Tờ Chosun của Hàn Quốc bình luận, tuyên bố của ông Kim Jong-nam cũng có nghĩa là, Triều Tiên muốn học tập chính sách cải cách “Đổi Mới” năm 1986 của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam (trái) bắt tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Việt Nam mới đây.

Tuy nhiên, ông Lim Soo-ho, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Samsung có trụ sở tại Seoul chia sẻ ý kiến cho rằng, Triều Tiên có thể học tập mô hình của Singapore. “Từ những năm 1990, Triều Tiên tuyên bố rằng họ xem Singapore là hình mẫu cho nền kinh tế của họ”, ông Lim cho hay.

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Lim, một học giả họ Cho thuộc Học viện IBK nhấn mạnh: "Với các nguồn tài nguyên dồi dào, Trung Quốc thu hút được rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng điều này không hoàn toàn phù hợp với Triều Tiên. Dưới hệ thống quản lý tập trung, một quốc gia nghèo tài nguyên như Singapore tập trung vào ngành công nghiệp hậu cần, tài chính và ngân hàng. Mô hình này có thể sẽ hiệu quả hơn đối với Bình Nhưỡng".

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Kim Jino thuộc Học viện IBK lại đề cập khả năng Bình Nhưỡng áp dụng các biện pháp cải cách mà Cuba đang tiến hành khi phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nặng nề của Mỹ.

Kim Jong-un đã cải cách?

Trên thực tế, vài năm trước, Triều Tiên từng nỗ lực triển khai các cải cách về kinh tế. Tuy nhiên, những nỗ lực này đều thất bại. Chẳng hạn, năm 2009, chính quyền Bình Nhưỡng từng nỗ lực cải cách hệ thống tiền tệ. Kết quả, lạm phát gia tăng, dẫn đến sự thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu.

Khi còn sống, có lẽ cựu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il hiểu rằng, giải pháp tốt nhất để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài chỉ có thể là cải cách kinh tế. Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Triều Tiên vẫn không thể không lo ngại cải cách. Ông nhận ra rằng, khác với Trung Quốc, Triều Tiên là quốc gia bị chia cách với sự khác biệt kinh tế khổng lồ giữa 2 miền. Trong những điều kiện như vậy, cải tổ có thể sẽ là một động thái rất mạo hiểm.

Mô hình cải cách Trung Quốc là giảm thiểu kiểm soát xã hội. Do đó, hậu quả không thể tránh khỏi sẽ bao gồm việc phổ biến thông tin về thế giới bên ngoài tại Triều Tiên, mà đặc biệt là về Hàn Quốc. Người dân Triều Tiên vì thế, có thể nghi ngờ tính hợp pháp của chính quyền và không còn đặt niềm tin tuyệt đối vào chính quyền nữa. Khi ấy, kết quả của việc cải cách có khả năng dẫn tới khủng hoảng chính trị, thay vì bùng nổ kinh tế như ở Trung Quốc. Đây là điều chính quyền họ Kim không bao giờ mong muốn.

Tuy nhiên, vượt qua những quan ngại của người cha quá cố và nhiều thách thức khác, lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un dường như quyết tâm cải tổ. Đài Tiếng nói nước Nga và hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc vừa đưa tin ông Kim Jong-Un ra mật lệnh triển khai một chương trình cải cách vào hồi đầu tháng 7. Chương trình được gọi là "Hệ thống quản lý kinh tế mới ngày 28/6”.

Theo đó, các xí nghiệp Triều Tiên có thể hoạt động độc lập, không chịu sự quản lý chặt của chính phủ và chính họ sẽ tự định giá cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, trước mắt, vẫn như trước đây, nhà nước nắm toàn quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm lãnh đạo của các xí nghiệp, đồng thời không cho phép mở doanh nghiệp tư nhân.

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

 

 

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm