Mỗi lần Triều Tiên chuẩn bị cho nổ một quả bom hạt nhân hay phóng tên lửa, ông Kim Jong Un lại ngồi xuống, viết đôi dòng suy tư cá nhân rồi đặt bút ký thông qua quyết định vụ thử nghiệm.
Những dòng chữ này thường xuyên được đưa trên truyền thông của Bình Nhưỡng sau mỗi cuộc thử nghiệm quân sự, hàm ý rằng không phải Triều Tiên, mà chính ông Kim là người cho nổ trái bom đó.
"Hãy bắt đầu một năm bằng thanh âm huy hoàng từ vụ nổ bom nhiệt hạch đầu tiên của chúng ta. Cả thế giới sẽ kính trọng chúng ta", Kim Jong Un viết trong bản phê duyệt vụ thử hạt nhân lần 4 của Triều Tiên hồi tháng 1/2016.
Những văn bản này là một phần trong công cuộc xây dựng hình ảnh kỹ lưỡng và cẩn trọng nhằm làm nổi bật vai trò trung tâm của ông Kim đối với việc điều hành quốc gia bí ẩn và để bảo đảm vững chắc di sản của mình.
Đó cũng là bằng chứng cho thấy tốc độ ngoạn mục mà ông củng cố quyền lực trong nước, đồng thời làm cho cả thế giới phải lo ngại về những thách thức hạt nhân từ Triều Tiên.
Lãnh đạo Kim Jong Un ký văn bản phê duyệt vụ thử hạt nhân lần 4 của Triều Tiên hồi tháng 1/2016. Ảnh: Reuters. |
Quyền lực tập trung, không suy chuyển
Các bài phỏng vấn với chuyên gia và người trong cuộc của Guardian đã hé lộ về chân dung Kim như một nhà lãnh đạo với quyền lực chắn chắn và những mục tiêu rõ ràng nhằm đảm bảo sự tồn vong của mình. Và mặc dù ông ta có thể quyết liệt, liều lĩnh, không ai tin rằng Kim Jong Un là kẻ điên cuồng với nút bấm hạt nhân.
Khi Kim Jong Un thay cha là Kim Jong Il lên nắm quyền cuối năm 2011, nhiều chuyên gia đã nghi ngờ liệu ông có đủ sức để dẫn dắt đất nước. Hoài nghi này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về người kế nhiệm này. CIA thừa nhận rằng họ chỉ có duy nhất một tấm ảnh về lãnh đạo mới, khi còn là đứa trẻ 11 tuổi, thậm chí ngày sinh của Kim Jong Un vẫn đang gây tranh cãi: năm 1983 hay 1984.
Tuy nhiên chỉ vài tuần sau lễ nhậm chức, Kim Jong Un đã nắm được quyền lãnh đạo đảng, chính phủ, quân đội và thống lãnh toàn bộ đất nước 23 triệu dân này. Những năm sau đó, ông sẵn sàng quyết liệt hạ các đối thủ của mình.
Kim Jong Un (trái) tham gia một sự kiện cùng cha Kim Jong Il (phải). Ảnh: Guardian. |
Các chuyên gia đánh giá ông Kim điều hành đất nước kiểu triều đình cũ, khi quyền lực chỉ tập trung trong tay một người. Trong khi cha ông thường bí mật bàn bạc với một nhóm cố vấn, thì Kim Jong Un đã triệt hạ nhiều nhân vật và gần đây nhất là người đứng đầu cơ quan tình báo Kim Won Hong.
Năm 2013, ông Kim ra lệnh xử tử chú đồng thời là cố vấn của mình, Jang Song Thaek. Người mà truyền thông Bình Nhưỡng mô tả là “kẻ phản bội của mọi thời đại” đã nhận tội âm mưu lật đổ chính quyền.
"Không ai trực tiếp chi phối Kim Jong Un và nếu có ai xuất hiện như một lãnh đạo thứ hai, ông Kim sẽ loại bỏ họ ngay lập tức", Park Byung Kwang từ Viện Chiến lược An ninh Quốc gia ở Seoul, Hàn Quốc, nói. "Ông ta quyết liệt. Nhưng ông ta rất lý lẽ (sau mỗi hành động)".
Sự mô tả ấy không mấy dễ chịu so với hình ảnh vị lãnh đạo tươi cười và thân thiện trên truyền thông nhà nước Triều Tiên, người gần gũi với dân thường hơn là giới tinh hoa chính trị và quân sự. Khi không chụp ảnh cùng vợ là bà Ri Sol Ju, ông Kim Jong Un được nhìn thấy ôm chặt những người lính, thăm các gia đình tận nhà của họ, hay là tươi cười rạng rỡ sau khi tham quan một công viên nước mới khai trương.
Kim Jong Un duy trì vị thế tập quyền của mình bằng cách để cho các phe cạnh tranh nhau và gây hiểu lầm giữa các đối thủ tiềm năng. Hiện nay đảng Lao động cầm quyền và quân đội là hai khối chính tranh giành ảnh hưởng, trong khi đó, cộng đồng khoa học chịu trách nhiệm phát triển vũ khí, các công chức thì báo cáo trực tiếp với ông Kim.
Chuyên gia đánh giá ông Kim điều hành đất nước kiểu triều đình cũ, khi quyền lực chỉ tập trung trong tay một người.
Việc không có các cố vấn thân cận có nghĩa là không ai xoa dịu bản tính đôi khi bốc đồng của nhà lãnh đạo trẻ. Các chuyên gia cho rằng quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên, là bằng chứng cho thấy cái tôi của Kim Jong Un đang trực tiếp ảnh hưởng đến chính sách.
"Rất khó khăn giữa việc tư vấn cho Kim Jong Un và làm sao để không trở nên quá quyền lực hoặc nổi bật", Yang Uk, chuyên gia tại Diễn đàn An ninh và Phòng thủ Hàn Quốc, nhận định.
Người kế nhiệm hoàn hảo
Kim Jong Un không phải luôn là lựa chọn số 1 để thay cha tiếp quản đất nước. Ban đầu, anh trai cùng cha khác mẹ của ông, Kim Jong Nam, được xem là người kế vị nhưng tới năm 2001 thì bị thất sủng vì vụ làm giả hộ chiếu để sang Nhật Bản thăm Disneyland.
Chưa rõ vì sao Kim Jong Chul, một người anh khác của Kim Jong Un, không được lựa chọn, nhưng người này được xem là có tính cách yếu đuối như con gái, theo Kenji Fujimoto, đầu bếp làm sushi cho lãnh đạo Kim Jong Il trong 13 năm, cho biết.
Fujimoto kể rằng ông từng chạm mặt một lần với Kim Jong Un, khi đó chỉ mới 7 tuổi. Cậu bé này mặc bộ quân phục và "giống cha về mọi thứ, kể cả hình dáng", Fujimoto viết trong một cuốn sách năm 2003.
"Ông ấy (Kim Jong Un) nhìn tôi bằng ánh mắt dữ dằn khi chúng tôi bắt tay. Tôi không thể nào quên ánh mắt ấy, như muốn nói rằng tôi là một gã người Nhật hèn hạ", đầu bếp Fujimoto kể lại.
Từ năm 1998 đến 2000, Kim được gửi sang học ở Thụy Sĩ dưới một cái tên giả và thân phận là con của quan chức ngoại giao, sau đó đột ngột bị gọi quay trở về Triều Tiên. Ông học tiếng Đức ở đó. Ueli Studer, người đứng đầu cơ quan giáo dục địa phương, mô tả Kim Jong Un là "hòa nhập tốt, siêng năng và đầy tham vọng".
Ông Kim Jong Un thăm Lực lượng Chiến lược của quân đội Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Bạn học cũ của Kim Jong Un đã nhiều lần nói về tình yêu của ông ta với bóng rổ, phim bom tấn và các trò chơi điện tử của Mỹ. Kim Jong Un trông nổi bật với đôi giầy Nike Air Jordan đắt tiền, một đội vệ sỹ luôn luôn kè kè theo ông tới trường và trong các hoạt động ngoại khóa.
"Ông ta hầu như không bao giờ nói về cuộc sống gia đình, mặc dù vậy ông ta chơi nhạc Triều Tiên rất nhiều, đặc biệt là quốc ca", Joao Micaelo, bạn học của Kim Jong Un, nói trong cuộc phỏng vấn năm 2010.
Bạn học cũ của ông Kim ở Thụy Sĩ nói rằng ông đam mê bóng rổ mọi lúc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên hâm mộ cuồng nhiệt đội Chicago Bulls và trang trí kín phòng mình bằng những món đồ lưu niệm của đội bóng. "Thời gian đó, cả cuộc sống của ông ấy dành cho bóng rổ. Tôi nghĩ chúng tôi đã dành 80% thời gian để chơi môn này", Micaelo nói.
Theo Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia, Kim Jong Il đã phá vỡ truyền thống khi chỉ định con trai út kế vị vì ông biết Kim Jong Un sẽ là nhà lãnh đạo hoàn hảo. "Kim Jong Un thể hiện rằng ông ta có tham vọng, cùng với đó là bản chất tàn nhẫn", Petrov đánh giá.
Những nhà tuyên truyền miêu tả Kim Jong Un như một lãnh đạo Kim Nhật Thành thứ hai, cũng với mái tóc, bộ đồ đen và tính nghiện thuốc lá ấy. "Kim Nhật Thành vẫn còn được người dân Triều Tiên vô cùng tôn sùng", Petro nói.
Kim Jong Il phá vỡ truyền thống khi chỉ định con trai út kế vị vì ông biết Kim Jong Un sẽ là nhà lãnh đạo hoàn hảo.
Tham vọng hạt nhân và con đường sống còn
Cuối cùng, sức ảnh hưởng của Kim được định hình bởi một kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân tham vọng. Trong thời gian nắm quyền, ông Kim đã cho thử 84 tên lửa, nhiều hơn số vụ thử thời cha và ông nội cộng lại.
Nhìn từ góc độ của Bình Nhưỡng, một kho vũ khí hạt nhân thể hiện cho cơ hội sống còn duy nhất của Triều Tiên trước sự gây hấn của Mỹ với mục tiêu cuối cùng là thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Thất bại trong việc phát triển thứ vũ khí hạt nhân đủ khả năng tấn công các thành phố Mỹ có thể đặt ông Kim vào tình thế nguy hiểm.
Kim Jong Un bên cạnh vật được cho là đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Tập trung vào câu chuyện Mỹ hung hăng còn vũ khí hạt nhân là phương tiện đáp trả hiệu quả duy nhất, Kim Jong Un đã tự đặt mình vào vị thế không thể lung lay ở trong nước. Như Putin từng nói về người Triều Tiên hồi tuần này: "Họ có thể ăn cỏ, nhưng sẽ không chấp nhận dừng chương trình (hạt nhân) chừng nào họ còn cảm thấy không an toàn".
Đẩy mạnh kinh tế đồng thời với quân sự
Nhưng ám ảnh với thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt chỉ là một phần của câu chuyện. Từ bỏ ý thức hệ lỗi thời về nền kinh tế kế hoạch tập trung của người tiền nhiệm, Kim đã cho phép thị trường mở cửa, thúc đẩy sự bùng nổ về xây dựng ở Bình Nhưỡng. Thương mại xuyên biên giới với Trung Quốc nở rộ và các quy định được nới lỏng cho phép người Triều Tiên kiếm được ngoại tệ cần thiết từ nước ngoài.
Kim Jong Un theo đuổi chính sách được gọi là tiến bộ song song, thúc đẩy chương trình hạt nhân của Triều Tiên đi đôi với sự phát triển kinh tế. Bằng cách xây dựng một năng lực tấn công hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể tiết kiệm được chi phí tốn kém cho những vũ khí thông thường và dùng nó để cải thiện mức sống người dân.
Ông Kim Jong Un đến thăm một cơ sở sản xuất nấm ở Bình Nhưỡng. Ảnh: dprk-doc.com. |
Có những dấu hiệu cho thấy phương cách này đang phát huy hiệu quả. Nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 3,9 % trong năm 2016, tốc độ nhanh nhất trong vòng 17 năm, theo ngân hàng trung ương của Hàn Quốc.
"Kim không phải là một nhà ngoại giao", Petrov nói. "Nhưng ở trong nước, ông ta đạt được nhiều thành công hơn cha và ông của mình. Kim đã bỏ chính sách ưu tiên quân sự hàng đầu, thay vào đó theo đuổi chính sách kép: đẩy mạnh an ninh và kinh tế đồng thời, đến nay nó đã có tác dụng".
Những gì mà Kim Jong Un đang làm không phải là để vẽ đường rút lui, mà là để giành chiến thắng.
Bradley Martin
Tuy nhiên, sau nhiều tháng đối đầu với Donald Trump, các chuyên gia lo ngại xung đột sẽ nổ ra giữa một Kim Jong Un với tính cách thất thường và một tổng thống Mỹ khó đoán không kém, đưa cuộc khủng hoảng hiện nay theo hướng đáng quan ngại hơn nhiều.
"Tôi không nghĩ Kim Jong Un điên, nhưng ông ta cần việc duy trì một hình ảnh quyền lực, và cũng như ông cha của mình, ông ta không chấp nhận thất bại", Bradley Martin, tác giả cuốn Under the Loving Care of the Fatherly Leader: North Korea and the Kim Dynasty (Dưới sự chăm sóc yêu thương của người cha lãnh đạo: Triều Tiên và triều đại Kim), nhìn nhận.
"Những gì mà Kim Jong Un đang làm không phải là để vẽ đường rút lui, mà là để giành chiến thắng. Nếu bị dồn tới đường cùng, ông ta có thể hành động theo cách mà Nhật hoàng từng làm ở Trân Châu Cảng".
Sau tất cả những suy đoán kể trên về tính cách Kim Jong Un, có thể thấy ván bài địa chính trị cuối cùng của ông ta đã dễ giải mã hơn. Đối mặt với sự phản đối trên toàn cầu và một chính quyền không chịu thỏa hiệp ở Washington, Kim Jong Un sẽ tiếp tục ra lệnh tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân.