“Mùa xuân" của tình hữu nghị mới chớm đến tại bán đảo Triều Tiên đột ngột kết thúc vào tuần này. Chỉ còn 12 tiếng trước cuộc họp, Triều Tiên bất ngờ quay trở về đường lối cũ và hoãn vô thời hạn hội nghị với Hàn Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AFP. |
Theo hãng thông tấn quốc gia KCNA, Triều Tiên tuyên bố hủy cuộc họp với Hàn Quốc với lý do cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc vi phạm tinh thần của thỏa thuận. Mục đích của cuộc họp này là hướng tới thi hành các điều khoản trong thỏa thuận song phương đạt được hồi tháng trước.
Đồng thời, chính quyền Triều Tiên ám chỉ sẽ cân nhắc việc tham dự cuộc gặp Trump - Kim và lên tiếng phản đối yêu cầu “đơn phương” từ Washington buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ tiếp tục sở hữu loại năng lượng này.
Đối với các nhà quan sát Triều Tiên, động thái này là bất ngờ nhưng cũng rất quen thuộc.
Quay lưng bất ngờ?
Trong lịch sử, Triều Tiên là một nước thường rút lui khỏi thỏa thuận và nhanh thay đổi lập trường. Nhưng vào những tháng vừa qua, nước này dường như đang thực hiện một lối tiếp cận khác trong quan hệ quốc tế bằng việc làm lành với Hàn Quốc, qua một loạt hoạt động hợp tác với đỉnh điểm là hội nghị hồi tháng 4.
Thiện chí từ Triều Tiên còn có khả năng đem tới một cuộc họp chưa từng có trong lịch sử với Mỹ. Bình Nhưỡng thậm chí tuyên bố đóng cửa bãi thử hạt nhân và tỏ ý muốn ưu tiên thúc đẩy kinh tế sau nhiều năm hy sinh sự phát triển để đổi lấy hạt nhân.
Ông Kim đưa ra hướng dẫn về chương trình vũ khí hạt nhân tại Bình Nhưỡng hồi năm 2017. Ảnh: KCNA. |
Ngày 17/5, bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên tiếp tục bày tỏ sự phản đối. Trang web Uriminzokkiri đưa tin từ KCNA đăng một bài bình luận viết rằng một cuộc đàm phán có ý nghĩa không bao giờ có thể diễn ra song song với những cuộc tập trận của Hàn Quốc mà Bình Nhưỡng lên án là hành vi khiêu khích trá hình.
Tuy nhiên, cuộc diễn tập quân sự này, như bao cuộc tập trận khác, diễn ra hàng năm tại Hàn Quốc, và Triều Tiên có lẽ đã phải biết trước điều này. Vậy tại sao bây giờ Triều Tiên mới phản đối và để mở khả năng hủy cuộc gặp với ông Trump?
Chiến thuật tăng cường quyền lực ngoại giao
Có vẻ như Triều Tiên không thực sự có ý định quay lưng khỏi viễn cảnh cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử với Mỹ.
Bình Nhưỡng đã luôn muốn gặp tổng thống Mỹ trực tiếp, và kể cả nếu không thể giành được viện trợ, không được dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay bất kỳ lợi ích nào khác, thì việc công nhận một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy sẽ có giá trị tuyên truyền lớn trong nước.
Cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore, nhưng Bình Nhưỡng đã dọa hủy cuộc gặp. Ảnh: AFP. |
Sự thay đổi đột ngột từ thái độ sẵn sàng hòa giải thành trạng thái "xù lông" nổi cáu gần như chắc chắn là một chiến thuật nhằm tăng cường quyền lực trong đàm phán.
Thông qua việc hủy cuộc họp với Hàn Quốc, Triều Tiên đang nhắc nhở chính phủ của Tổng thống Moon Jae In là nước này vẫn đang nắm giữ đòn bẩy trong mối quan hệ liên Triều.
Ông Moon đã tập trung cải thiện quan hệ với Triều Tiên, và chính sách này đã giúp tăng tỷ lệ ủng hộ của ông lên tới hơn 80%, một con số hiếm gặp tại Hàn Quốc.
Những bước tiến triển của ông Moon trong quan hệ với Triều Tiên cũng là một biện pháp đánh lạc hướng dư luận khỏi hàng loạt mối quan ngại gây đau đầu tại Hàn Quốc, bao gồm bê bối liên quan tới nhà lập pháp Kim Kyung Soo thân cận với tổng thống Moon và vấn đề giải quyết thất nghiệp chưa tiến triển.
Lãnh đạo dưới áp lực chính trị
Cả ông Moon và ông Trump đều mong tạo ra bước đột phá trong nhiệm kỳ. Trong khi đó, ông Kim Jong Un lại không phải chịu dạng áp lực chính trị tương tự, đồng thời trong hàng chục năm nay, Triều Tiên đã cho thấy rằng thà chịu khổ còn hơn là bằng lòng với một thỏa thuận không có lợi.
Hai nhà lãnh đạo thuộc hai miền bán đảo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4. Ảnh: AFP. |
Ông Moon xuất phát từ cánh tả Hàn Quốc với tư tưởng cốt lõi hướng tới hợp tác với miền Bắc. Với việc ông Moon sẽ không từ bỏ nỗ lực xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đang ở vị trí hoàn hảo để quyết định xem liệu thời điểm tốt sẽ đến hay không.
Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo khó dự đoán hơn. Khi được hỏi về thay đổi bất ngờ của Triều Tiên liên quan tới cuộc gặp dự kiến tại Singapore, ông nói: “Chúng ta sẽ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra”. Đối với ông Trump, việc thúc đẩy Triều Tiên cũng giúp đánh lạc hướng khỏi những thách thức trong nước.
Quyết định nằm trong tay Triều Tiên
Nếu hội nghị thượng đỉnh diễn ra, ông Trump sẽ được ghi danh trong lịch sử là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp trực tiếp lãnh đạo Triều Tiên. Chắc chắn đó sẽ là một “chiến tích” lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông với tư cách là một nhà đàm phán.
Mỹ vẫn có thể đặt cược vào hội nghị tại Singapore sắp tới. Cơn giận tuần này của Triều Tiên có vẻ như không gì hơn chỉ là một lời nhắc nhở với Hàn Quốc và Mỹ rằng mặc dù nghèo, Triều Tiên cũng sẽ không chịu bị xử ép, và rằng Triều Tiên mới chính là người dẫn dắt trong hội nghị này.
Bất chấp một số tiến triển, câu hỏi vẫn gây lo ngại là làm thế nào để thuyết phục Triều Tiên thoát khỏi vỏ bọc hạt nhân cô lập và tham gia vào cộng đồng quốc tế.
Mục tiêu của hội nghị là Triều Tiên giải trừ hạt nhân, và điều đó chỉ có thể thành hiện thực nếu Triều Tiên muốn thế. Qua việc nhắc nhở Hàn Quốc và ám chỉ cho Mỹ “leo cây”, Triều Tiên đã gửi đi thông điệp rằng nước này có đủ sự cứng rắn. Sau những động thái gần đây, Triều Tiên vẫn đang hướng tới vị trí là người chiến thắng trong cuộc đàm phán này.