Đây là số liệu được Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ tại cuộc họp báo ngày 28/12 hôm nay.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết đa số dòng tiền kiều hối gửi về Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng với khoảng 70% lượng tiền gửi về. Bên cạnh đó, khoảng 28% lượng tiền được gửi qua các công ty kiều hối và 2% còn lại gửi qua kênh bưu điện.
“Dù điều kiện dịch bệnh khó khăn ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, bà con kiều bào hoạt động ở nước ngoài vẫn hướng về tổ quốc và gửi kiều hối về. Đây là lượng ngoại tệ rất quan trọng trong điều kiện đất nước cần nhiều nguồn vốn để phát triển”, Phó thống đốc khẳng định.
Lãnh đạo NHNN cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2021 cũng như các năm trước đó.
Khoảng 70% lượng kiều hối về Việt Nam được thực hiện thông qua các ngân hàng. Ảnh: T.L. |
So với ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối năm 2021 thấp hơn khoảng 5,6 tỷ USD.
Cụ thể, báo cáo của WB và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD cho rằng Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối năm 2021, đạt 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020.
Về số liệu chênh lệch này, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết các số liệu do cơ quan quản lý tiền tệ trong nước thống kê và các tổ chức quốc tế ước tính về lượng kiều hối hàng năm đều có chênh lệch. Nguyên nhân do các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng tới nguồn tiền, thặng dư từ các quốc gia khác, nguồn chuyển tiền về…
Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý ngoại hối khẳng định số liệu của NHNN đưa ra về kiều hối mới là con số chính xác.
“Các số liệu này có đầy đủ thông tin về số tiền chuyển, người chuyển, chuyển đến đâu, chuyển qua các công ty kiều hối, ngân hàng, tổ chức tín dụng. Còn các tổ chức khác như WB chỉ là tự ước lượng tính toán trên một con số vĩ mô, tự ước tính không có kiểm chứng”, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối cho biết.
Vị lãnh đạo cho biết trong năm 2019 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam có chịu ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, kiều hối gửi về trong nước vẫn ghi nhận tăng trưởng đều đặn.
Ông cũng cho biết các số liệu về kiều hối hàng năm đều có tác động tới tỷ giá trong nước vì đây là nguồn cung rất quan trọng, ảnh hưởng tới ổn định thị trường ngoại hối và lượng dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, chia sẻ về việc lượng kiều hối hàng chục tỷ USD này khi gửi về Việt Nam có được đưa ra sản xuất kinh doanh, tiêu dùng hay không, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối cho biết đây là quyền của người nhận tiền và cơ quan quản lý không thể thống kê lượng kiều hối này được dùng để làm gì.
“Người ta nhận tiền có thể sử dụng vào điều này, điều kia, nhưng để đánh giá chung thì dòng kiều hối này năm vừa qua cũng có hỗ trợ tới sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, bất động sản”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.