Bao bọc con quá mức có tương quan với việc giảm tuổi thọ. Ảnh: NBC News. |
Theo từ điển Cambridge, "helicopter parents" (cha mẹ trực thăng) là cách gọi những ông bố bà mẹ chăm con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình.
Cha mẹ áp dụng phương pháp nuôi dạy này thường tham gia quá mức vào cuộc sống của con. Họ làm mọi thứ cho trẻ và đáp ứng mọi nhu cầu của chúng trước cả khi chúng thể hiện nhu cầu ra bên ngoài.
New York Post đưa tin mới đây, một nghiên cứu về lão hóa theo chiều dọc được công bố trên tạp chí Scientific Reports đã chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa việc giảm tuổi thọ và phương pháp nuôi dạy con kiểu "trực thăng".
Nghiên cứu thực hiện phân tích dữ liệu từ 941 người (445 phụ nữ và 496 nam giới) sinh vào những năm 1950-1960 và qua đời trong khoảng thời gian 2007-2018.
Các nhà khoa học yêu cầu người tham gia nghiên cứu trả lời câu hỏi trong bảng khảo sát, liên quan đến cấu trúc gia đình, công việc của chủ hộ, mối quan hệ với cha mẹ khi còn nhỏ (liên quan đến chăm sóc và bảo vệ).
Sau khi xem xét kỹ lưỡng câu trả lời và tìm kiếm mối quan hệ giữa các hạng mục, kết quả, những người đàn ông thiếu quyền tự chủ khi lớn lên thường đối mặt với nguy cơ tử vong trước tuổi 80 cao hơn 12%.
Tương tự, phụ nữ có người cha bảo vệ con quá mức có nguy cơ tử vong trước 80 tuổi cao hơn 22%.
Tuy nhiên, những bé gái nhận được sự chăm sóc chu đáo từ mẹ có thể giảm 14% nguy cơ mắc bệnh, trong khi những người đàn ông chỉ sống với cha hoặc mẹ ngày nhỏ có nguy cơ tử vong trước tuổi 80 cao hơn 179%.
“Mối quan hệ yêu thương và chăm sóc của cha mẹ trong thời thơ ấu có ảnh hưởng đến phần đời còn lại của trẻ, nhất là ảnh hưởng đến tuổi thọ", GS Tiago da Silva Alexandre, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Các nhà khoa học lưu ý nghiên cứu trên tập trung vào những người thuộc thế hệ Baby Boomer, nhưng giả thuyết rằng kết quả có thể tương tự với các thế hệ gần đây.
Bà Aline Fernanda de Souza Canelada, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định trẻ em cần sự chăm sóc và hỗ trợ của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ không được xâm phạm quá mức, điều này sẽ tước đi quyền tự chủ của trẻ.
“Nghiên cứu tâm lý học cho thấy kiểu quan hệ này không lành mạnh khi đứa trẻ sợ cha mẹ, dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau như thói quen xấu, nguy cơ lạm dụng rượu, ma túy hoặc rối loạn tâm thần. Những khó khăn về sức khỏe tương quan chặt chẽ đến việc giảm tuổi thọ", bà Canelada nói.
Phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ
Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ, từ bỏ thói quen dùng hình phạt với con là những phương pháp nuôi dạy trẻ trưởng thành một cách khoa học, văn minh. Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ, quý độc giả có thể tham khảo tại đây.