Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa quyết định công nhận tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM (số 86 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. |
Công trình được xây dựng từ năm 1898 và hoàn thành năm 1908 theo họa đồ của kiến trúc sư Femand Gardès. Tòa nhà là một kiến trúc biểu tượng của thành phố với mặt tiền là trích dẫn các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc thời Đệ tam cộng hòa Pháp (1870-1940) như tháp chuông, cột Hy Lạp, tràng hoa, huy hiệu. |
Phần tượng trang trí nổi gắn ngoài trụ sở ban đầu do họa sĩ điêu khắc gia Ruffier đảm trách. Đến năm 1907, hợp đồng của Ruffier bị bãi bỏ và một họa sĩ khác là Bonnet đảm nhận. |
Cửa chính của tòa nhà nằm tại số 86 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM). Toàn bộ khuôn viên khu đất được bao bọc trong các con đường Lê Thánh Tôn - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. |
Hiện tại, trụ sở UBND TP.HCM giữ được gần như nguyên trạng họa tiết, bối cảnh trang trí ban đầu. Tòa nhà hiện là nơi làm việc của UBND và HĐND TP.HCM. |
Trải qua hơn 100 năm, những họa tiết trang trí bên trong tòa nhà vẫn giữ được hình dáng ban đầu. |
Tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM là nơi diễn ra những hoạt động quan trọng của chính quyền thành phố và tiếp đón những đoàn ngoại giao nước ngoài. Mỗi phòng họp có kích thước, cách bài trí nội thất và trang trí tường, trần, nền khác nhau. |
Tường, trần nhà tại khu vực tầng 2 tòa nhà được vẽ hình ảnh vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, thiên sứ... những hình ảnh nổi bật của thời kỳ văn hóa Phục hưng. |
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu UBND TP.HCM cùng UBND quận 1 cùng thực hiện công tác quản lý di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Trước đó, ngày 12/5/2016, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đối với công trình này. |
Ban công tầng 2 của tòa nhà có tầm nhìn ra phố đi bộ Nguyễn Huệ và sông Sài Gòn. Trong thời kỳ đầu khi mới xây dựng, tòa nhà đã có một vị trí đặc biệt trong không gian Sài Gòn xưa, là điểm cuối của con kênh dẫn thẳng ra sông và là một phần của thành Quy (còn gọi là thành Bát Quái). |