Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Kiên Giang và kết nối trực tuyến tới điểm cầu 28 địa phương ven biển trên cả nước.
Báo báo tại cuộc họp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết sau 6 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định chống khai thác IUU, Đoàn Thanh tra của EC đã có 4 đợt thanh tra thực tế tại Việt Nam.
Mặc dù các ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, song tính từ đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10/2023) của EC đến nay, Việt Nam xảy ra 17 tàu/190 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Huy. |
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có 64 tàu/550 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Ngoài ra, trên cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); nhiều nhất tại tỉnh Bình Thuận với 1.868 chiếc; tình trạng mua bán, sang tên đổi chủ tàu cá chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khách nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp; đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu.
Ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết mới đây, TAND tỉnh Kiên Giang đã đưa ra xét xử 4 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép". Qua phiên sơ thẩm, tòa đã tuyên án tổng hình phạt đối với 4 bị cáo là 23 năm tù. Hiện nay, cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ, khởi tố hình sự 3 vụ vi phạm về IUU.
UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm nhóm tàu “3 không”; xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển. Thực hiện đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc hợp thức hóa hồ sơ. Khẩn trương hoàn thiện sửa đổi bổ sung quy chế quản lý thiết bị giám sát hành trình và quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4.
Thời gian còn lại là rất ít, do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung 2 việc: Một là không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các địa phương còn số lượng tàu vi phạm lớn; hai là xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, không có ngoại lệ.
“Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền cho ngư dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vì thời gian này tàu về bờ nhiều, nghỉ dài ngày. Nội dung tuyên truyền phải tập trung nhắc nhở ngư dân tuân thủ pháp luật, chống khai thác IUU; nếu vi phạm không chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà cả xử lý hình sự”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.