Sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV (cuối năm 2019), hàng loạt kiến nghị của cử tri gửi đến đã đề cập đến lo ngại trước các diễn biến ở Biển Đông.
Cử tri các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Phú Thọ kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại, có giải pháp hiệu quả để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và kịp thời thông tin về các chính sách này để nhân dân hiểu và nắm bắt kịp thời thông tin, tránh để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo kích động.
Yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm
Bộ Ngoại giao khi trả lời cử tri trước kỳ họp Quốc hội thứ 9 (dự kiến khai mạc vào tuần tới) đã nhấn mạnh chủ trương: “Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với đất nước”.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ trên Biển Đông. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam. |
Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao cho biết chúng ta đã có nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện, về cả an ninh - quốc phòng, chính trị - ngoại giao, kinh tế - xã hội… nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong số đó có việc thực thi chủ quyền trên biển, bảo vệ các hoạt động kinh tế biển như hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của các doanh nghiệp, hoạt động đánh bắt bình thường của ngư dân diễn ra trên các vùng biển Việt Nam.
Trước các hành vi vi phạm chủ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đã đấu tranh ngoại giao ở các cấp, các kênh khác nhau bằng nhiều hình thức.
Đặc biệt, Việt Nam đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, trao công hàm, giao thiệp phản đối, trong các dịp tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lý và hoạt động vi phạm của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này; không tiếp diễn hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hoạt động quân sự hóa, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
“Lập trường và chính nghĩa của ta được nhiều nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, ghi nhận. Đồng thời, nhiều nước cũng có tiếng nói mạnh mẽ phê phán các hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của ta”, Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Kiên quyết bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa
Cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng Bộ Ngoại giao nhận định vấn đề Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.
Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “dưới danh nghĩa khảo sát khoa học” đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam kiêm quyết đấu tranh bằng các biện pháp để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Anh Tuấn. |
Bộ Ngoại giao cho biết vừa qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam.
Trước các hoạt động xâm phạm vùng biển của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh để kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của Việt Nam, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, duy trì quan hệ với các nước, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nhất quán chủ trương kiên trì, kiên quyết giải quyết vấn đề Biển Đông và các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Trong đó, Việt Nam sẽ tập trung đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế rõ ràng, tạo điều kiện cho việc quản lý, thực thi, bảo vệ, và triển khai các hoạt động trên biển, hạn chế các hoạt động vi phạm vùng biển của Việt Nam.