Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua có 39.552 công chức, viên chức thôi việc. Trong đó, 18% thuộc cấp Trung ương và 82% thuộc địa phương.
"Bình quân mỗi năm khoảng 15.820 người, so với tổng biên chế chỉ chiếm 0,8%. Số công chức nghỉ việc là hơn 4.000 người, viên chức khoảng 35.000 người”, ông Thăng nói và cho biết ngành giáo dục đứng đầu với hơn 16.000 người nghỉ việc, tiếp sau đó là y tế với 12.198 người.
Y tế là một trong hai ngành ngành có số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất trong 2,5 năm qua. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Theo ông Nguyễn Duy Thăng, có nhiều nguyên nhân khiến gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, bao gồm nguyên nhân khách quan, chủ quan và cả nguyên nhân từ cơ quan quản lý.
Trong đó, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều khó khăn trong khu vực công là một trong những nguyên nhân chính được Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề cập. Việc này khiến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại một số địa phương bị chênh lệch so với mặt bằng thu nhập của người dân trên địa bàn.
"Nguyên nhân khác là công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chuyên gia chưa được tốt, khu vực tư nhân lại có nhiều chính sách thu hút hơn. Trong khi đó, quá trình tinh giảm biên chế tại một số cơ quan, đơn vị đã khiến khối lượng công việc tăng, gây sức ép cho người lao động", theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Nội vụ..
Từ thực tế đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết Bộ này sẽ cùng Bộ Tài chính báo cáo Trung ương, Quốc hội xem xét sớm có chính sách tăng lương phù hợp.
Cũng tại buổi họp báo, vấn đề tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện tiếp tục được đặt ra. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết cơ quan này đang đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế nhất là đối với các thuốc hiếm.
"Tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá cũng đang được đẩy nhanh", theo lời bà Hương.
Nữ Thứ trưởng cho hay Bộ Y tế đang rà soát, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý trang thiết bị y tế; nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối một số loại thuốc hiếm, khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
“Đơn vị chức năng cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị; đồng thời tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, tác dụng tương đương để điều trị”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm.