Đây là nội dung kiến nghị được Ngân hàng Nhà nước tập hợp từ các ý kiến cử tri và trả lời cử tri, trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 (diễn ra từ ngày 21/10 - 6/12/2013).
Về kiến nghị trên, theo trả lời của ngân hàng Nhà nước, đồng tiền được xem là “biểu trưng”, “hình ảnh” của mỗi quốc gia, là phương tiện nhằm chuyển tải những giá trị, thông điệp hàm súc đến người sử dụng. Vì vậy, những giá trị, hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc về đất nước, con người thường được lựa chọn để thể hiện, khắc họa trên đồng tiền. Ở nước ta, việc lựa chọn, quyết định hình ảnh được in trên đồng tiền do Bộ Chính trị quyết định.
Trong thực tế đời sống, những đồng tiền mệnh giá nhỏ, kể cả 10.000 và 20.000 đồng polymer thường ít quay về hệ thống ngân hàng, nên không được tuyển chọn, thay thế thường xuyên. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới kiệt xuất. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên gần gũi, quen thuộc đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Vì vậy ngay từ năm 1945, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được lựa chọn, thể hiện trang trọng ở mặt trước các đồng tiền do ngân hàng Nhà nước phát hành. Ở mặt sau đồng tiền khắc họa hình ảnh quân và dân ta trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phong cảnh thiên nhiên, các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
“Việc đề xuất xem xét lựa chọn các vị lãnh đạo, anh hùng, danh nhân văn hóa, lịch sử có công với đất nước để in trên đồng tiền cần được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng và đảm bảo phù hợp với kỳ vọng của đa số công chúng, vì hình ảnh trên đồng tiền có vai trò hết sức quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ thân thiện, tích cực và chuyển tải những thông điệp hàm súc tới công chúng”, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.
Cũng liên quan đến việc phát hành đồng tiền Việt Nam, cử tri Đà Nẵng đề nghị nghiên cứu chất liệu khác chất liệu polymer để thay thế, chế tác đồng tiền tốt, đẹp và rõ ràng hơn, “vì chất lượng đồng tiền polymer hiện nay rất kém, đưa vào sử dụng, lưu hành một thời gian ngắn thị bị ra màu, không đảm bảo vệ sinh”.
Với đề nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng đồng tiền trong lưu thông, Bộ Chính trị đã phê duyệt việc lựa chọn ứng dụng công nghệ tiền polymer thay cho loại tiền giấy cotton. Và thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2003 - 2006, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành và đưa vào lưu thông các đồng tiền polymer, mệnh giá từ 10.000 - 500.000 đồng.
Sau một thời gian lưu hành, qua theo dõi chất lượng đồng tiền trong lưu thông của ngân hàng Nhà nước và thực tiễn sử dụng đồng tiền polymer, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá, tổng kết và có kết luận: “Đồng tiền polymer được người dân đón nhận, lưu thông bình thường; chất lượng đồng tiền trong lưu thông có bước cải thiện, độ bền, khả năng chống giả và độ sạch của đồng tiền polymer cao hơn tiền giấy cotton. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đã được xã hội công nhận thì đồng tiền polymer cũng còn một vài hạn chế nhất định như: màu sắc nhạt hơn, nét in có độ nổi thấp hơn tiền cotton…”.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá rằng, thực tế cho thấy đồng tiền dù làm bằng chất liệu nào, trong quá trình lưu thông do nhiều nguyên nhân khác nhau, thì chất lượng đồng tiền sẽ giảm dần theo thời gian. Đối với tiền cotton, sau một thời gian lưu thông, đồng tiền cotton hay bị bẩn, nhàu nát, sờn, rách và thường sau 20 - 44 tháng sử dụng sẽ phải thu hồi, thay thế. Đối với tiền polymer, sau một thời gian sử dụng, do mực in bị mòn màu sắc của đồng tiền sẽ nhạt hơn dẫn đến phai màu, mất một phần hình ảnh, hoa văn trên đồng tiền… nhưng bình quân sau 5 - 7 năm sử dụng mới phải thay thế.
Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, trong thực tế đời sống, những đồng tiền mệnh giá nhỏ, kể cả 10.000 và 20.000 đồng polymer thường ít quay về hệ thống ngân hàng nên không được tuyển chọn, thay thế thường xuyên. Vì nhiều lý do người dùng không nộp vào ngân hàng, Kho bạc Nhà nước những đồng tiền không đủ chất lượng lưu thông để đổi lấy những đồng tiền tốt hơn mà vẫn tiếp tục sử dụng đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đồng tiền trong lưu thông nói chung.
Về đề nghị nâng cao chế tác, thay thế chất liệu của đồng tiền, với vai trò là cơ quan phát hành tiền, ngân hàng Nhà nước cho biết luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm ổn định giá trị và nâng cao chất lượng, uy tín của đồng tiền Việt Nam.
Hiện nay, sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ vật liệu đã tạo ra những loại chất liệu in tiền mới. Trước đây chỉ có giấy cotton, polymer thì nay có thêm các chất liệu tổng hợp.
“Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực triển khai thực hiện đầu tư mở rộng, hiện đại hóa thiết bị công nghệ in tiền của Nhà máy in tiền Quốc gia (doanh nghiệp công ích thực hiện nhiệm vụ in tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước). Ngân hàng Nhà nước luôn nghiên cứu và cập nhật thông tin những phát triển mới về chất liệu, công nghệ in tiền đề xuất với Bộ Chính trị thay đổi cho phù hợp với thực tiễn nước ta để nâng cao hơn nữa chất lượng của đồng tiền cũng như chế tác của của đồng tiền, đáp ứng nhu cầu của cử tri, người dân Việt Nam”, theo văn bản trả lời ý kiến cử tri từ Ngân hàng Nhà nước.
Từ năm 2006 - 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 9 đợt lấy tiền mẫu trong lưu thông (1-2 lần/năm) để phân tích, đánh giá sự thay đổi về chất lượng và ước lượng tuổi thọ đồng tiền trong lưu thông. Kết quả phân tích cho thấy, đồng tiền polymer nói chung có tuổi thọ bình quân gấp 2,5 - 3 lần so với tiền cotton cùng mệnh giá.