Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã gửi văn bản kiến nghị lãnh đạo thành phố và Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch.
Theo vị này, do ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid-19, lượng khách đến Đà Nẵng tham quan, lưu trú bị giảm mạnh. Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm gần 56% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5% kế hoạch.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 644.000 lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, ít khách đến Đà Nẵng tham quan, lưu trú. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên. |
Ảnh hưởng của dịch khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản. Trước tình hình đó, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm sâu lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp.
“Các ngân hàng cần phải giảm sâu lãi vay chứ như đợt vừa rồi giảm ít quá, 5% trên lãi vay thì không ăn thua; phải giảm 50% lãi vay hoặc không thu lãi vay, mới giúp được doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, bên cạnh việc giảm lãi suất thì các ngân hàng cũng giãn nợ cho các doanh nghiệp.
"Có như vậy thì doanh nghiệp mới sống được. Cách đây mấy ngày, Thủ tướng chủ trì họp Chính phủ, đã giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để đưa ra chỉ thị mới thay cho chỉ thị 01. Doanh nghiệp đang trông chờ cái đó”, ông Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, nhóm giải pháp thứ hai là hiệp hội kiến nghị Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ.
Đồ họa: Nhân Lê |
"Ít nhất, trong năm 2020, Chính phủ cho giảm hoặc miễn luôn VAT, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì chả ai có lãi mà nộp. Như công ty chúng tôi, đầu năm nộp VAT khoảng 1 tỷ đồng, nếu được giảm một nửa thì vẫn còn 500 triệu đồng để trang trải tiền lương, bảo hiểm cho nhân viên”, ông Dũng đề xuất.
Nhóm giải pháp thứ ba mà Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề xuất là miễn giảm hoặc cho chậm nộp các loại phí như tiền điện, nước, tiền thuê đất, bảo hiểm. Nhóm giải pháp thứ tư là nới điều kiện tiếp cận các gói cứu trợ của Chính phủ.
Ông Dũng cũng nói thêm hiện các đơn vị rất khó tiếp cận gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Để tiếp cận gói này, phải đảm bảo điều kiện người lao động bị doanh nghiệp cho nghỉ việc. Doanh nghiệp không phát sinh doanh thu thì người lao động mới tiếp cận được tiền hỗ trợ.
"Rất ít doanh nghiệp đạt được điều kiện này. Doanh nghiệp còn hoạt động đương nhiên phải có vài đồng doanh thu chứ. Với vài đồng phát sinh đó, doanh nghiệp vẫn lỗ. Người lao động vẫn không tiếp cận được gói cứu trợ đó thì không hợp lý”, ông Dũng phân tích.