Đầu năm 2020, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng bắt đầu giảm giá sau nhiều năm "sốt". Đợt dịch Covid-19 thứ 2 ập đến như một cú sút bồi, khiến thị trường bất động sản càng trở nên ảm đạm, giá xuống gần đáy.
Thống kê của DKRA Việt Nam cho thấy từ đầu năm đến nay, thị trường Đà Nẵng sụt giảm mạnh về nguồn cung, số lượng giao dịch ở tất cả phân khúc đất nền, nhà phố và căn hộ. Ở loại hình đất nền, sức tiêu thụ của thị trường sơ cấp khá thấp, thị trường thứ cấp cũng có xu hướng im ắng với giao dịch thưa thớt.
Bất động sản rớt giá
Năm 2020, các doanh nghiệp ở Đà Nẵng tung ra thị trường 156 căn hộ nhưng tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 42%. Loại hình biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng và condotel là phân khúc có nhu cầu giao dịch ảm đạm nhất.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm, Đà Nẵng chỉ tiêu thụ được 233 căn condotel, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Sản phẩm biệt thự biển cũng không ghi nhận dự án mới mở bán, sức mua ở mức rất thấp, gần như không có giao dịch.
Ông Nguyễn Văn Tiến, giám đốc một công ty bất động sản, thừa nhận khu vực quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn có giao dịch đất nền ở quy mô nhỏ. Khách hàng chủ yếu là người có nhu cầu mua đất làm nhà, với giá hơn 1 tỷ/lô đất nền.
Thị trường bất động sản rớt giá thê thảm. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Các địa bàn khác như Sơn Trà, Cẩm Lệ, Hải Châu không phát sinh hoạt động bán hàng trong tháng 7 vừa qua. "Nhu cầu mua giảm khiến giá chào bán đất nền tại thị trường thứ cấp giảm theo", ông Tiến nhận định.
Theo khảo sát của Zing, Hải Châu là quận có giá đất chào bán cao nhất tại Đà Nẵng, rơi vào khoảng 70-80 triệu/m2; khu vực Sơn Trà, Cẩm Lệ giá đất dao động 32-47 triệu/m2.
Ở quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn có giá đất mềm nhất, chỉ tầm 21-30 triệu/m2, tùy khu vực. "Nhìn chung nhu cầu tìm mua đất nền tại Đà Nẵng hiện chỉ tập trung ở phân khúc có giá tầm 21-35 triệu/m2", ông Tiến cho hay.
Rao bán khách sạn, biệt thự
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết trên địa bàn thành phố có khoảng 250-260 khách sạn, biệt thự đang được các chủ sở hữu rao bán, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn).
Đây là hậu quả của 2 đợt dịch Covid-19 gây khó khăn cho ngành du lịch Đà Nẵng. Không có khách, nguồn vốn cạn dần nên các chủ sở hữu phải rao bán khách sạn để trả nợ ngân hàng, giảm thua lỗ.
Sở hữu khách sạn 4 sao ở quận Sơn Trà, nhưng từ đầu năm đến nay, ông Đ. chỉ khai thác được 10% công suất phòng. Với khoản nợ ngân hàng 15 tỷ đồng, chủ khách sạn này đang rao bán để giảm thiệt hại do lãi suất. "Với tình hình hiện nay thì đến hết quý I/2021 vẫn chưa có khách nên tôi bán khách sạn để trả nợ cho nhẹ đầu", ông Đ. lý giải.
Cùng hoàn cảnh, bà L. rao bán khách sạn 3 sao ở quận Ngũ Hành Sơn 2 tuần nay nhưng chưa ai hỏi mua. "Hai đợt đối diện dịch Covid-19 nên chúng tôi kiệt quệ nguồn vốn đành rao bán khách sạn. Rao cả tuần nhưng chưa ai hỏi mua", bà L. nói.
Vướng lao lý vì "ôm" bất động sản
Đầu tháng 9, giới kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng xôn xao khi công an bắt giam Phạm Thanh, giám đốc một doanh nghiệp, ngụ đường Hùng Vương, TP Đà Nẵng về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Điều đáng nói, liên quan đến vụ án này có nhiều đại gia nổi tiếng trong giới bất động sản ở Đà Nẵng. Ba năm trước, bà Đào Thị Như Lệ (41 tuổi, giám đốc một công ty bất động sản ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Đà Nẵng sở hữu hàng chục lô đất, khách sạn nằm ở các vị trí đắc địa.
Công an tống đạt các quyết định tố tụng, bắt giam Phạm Thanh. Ảnh: Ngô Quang. |
Cuối năm 2019 đầu năm 2020, khi thị trường bất động sản rớt giá, bà Lệ lần lượt mang các sổ đỏ đi cầm cố vay lãi nóng để trả nợ. Người này còn nhờ bạn là Dương Thị Ngọc Anh (chuyên viên Văn phòng Đăng ký đất quận Sơn Trà) lấy 25 sổ đỏ của người dân cho mượn để mang đi cầm cố.
Bước đầu, Lệ khai đã vay khoảng 500 tỷ đồng tại một số ngân hàng để đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá đất bị giảm mạnh, gần như đóng băng.
Bà này đi vay ở bên ngoài khoảng 500 tỷ đồng với lãi suất 5-30% để trả nợ ngân hàng cùng các khoản vay khác và dần mất khả năng thanh toán. Liên quan đến vụ việc, Công an Đà Nẵng đã bắt giam Thanh, Lệ và Dương Thị Ngọc Anh.