Bày tỏ quan điểm về giá đất tại Việt Nam trong hội thảo về giá đất diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng, ở Việt Nam, giá luôn trong xu thế “đuổi đuôi” thị trường và lạc hậu ngay từ thời điểm ban hành. Luật Đất đai ra đời năm 2003, song từ đó đến nay, khung giá mới chỉ được điều chỉnh một lần năm 2007 khiên cho có nơi, khung này chỉ bằng 20% so với thị trường, thậm chí chỉ 30-60% ngay tại các thành phố lớn.
Cục trưởng cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Ngọc Tuân, cho biết, bảng giá đất thường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước khiến cho người bị thu hồi nảy sinh tâm lý chờ đợi, khiến việc giải phóng, bàn giao mặt bằng gặp khó khăn.
Cách xác định giá đất tại Việt Nam còn lỗi thời, kém minh bạch được cho là nguyên nhân chính khiến cho người dân bị thu hồi có tâm lý "găm" đất, ảnh hưởng công tác bàn giao, giải phóng mặt bằng. |
Tiến sĩ Ngô Văn Hiền, Chánh văn phòng Học viện Tài chính cho rằng, vấn đề giá đất tại Việt Nam rất mập mờ, mù mịt nên khó xác định đâu là giá thực tế chuẩn, nguyên tắc minh bạch, công khai, công bằng chưa được áp dụng. Còn theo ý kiến của sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để xây dựng khung, bảng giá sát với giá giao dịch thực tế, phải quản lý được các giao dịch thực tế. Việc quản lý này cần có quy định qua ngân hàng hoặc cơ quan quản lý chuyên môn, còn giao dịch bằng tiền mặt rất khó kiểm soát.
Ông Đinh Quang Vũ, Tổng giám đốc công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc bộ Tài chính (DATC) nêu ý kiến, cần phải xây dựng nhiều bảng giá đất căn cứ theo các mục đích sử dụng khác nhau thay vì chỉ có một bảng giá đất áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như hiện nay. Trong đó, đặc biệt chú trọng bảng giá đất đền bù cho người dân để hạn chế khiếu nại, kiện cáo.
Để đưa khung giá đất, bảng giá đất sát với giá thị trường, bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cách định giá đất theo 4 phương pháp: so sánh trực tiếp; thu nhập; chiết trừ và thặng dư. Nguyên tắc định giá đất theo: mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá; thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá thành công; cùng thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, điều kiện tự nhiên, xã hội, hạ tầng… tương tự thì có giá như nhau. Thời hạn ban hành khung giá đất là 5 năm/lần.
Nhiều đại biểu đồng thuận với đề xuất của bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng cho rằng, khung giá đất phải ban hành 1 năm/lần, càng chi tiết càng tốt. Theo ông Olov Farnlvist, chuyên gia đất đai đến từ Thụy Điển, để đưa khung giá đất, bảng giá đất sát hơn với giá thị trường thì Việt Nam cần tiến tới xác định giá đất đến từng thửa đất. Muốn vậy, cần xây dựng được bản đồ địa chính dạng số thì đây không còn là bài toán khó.