Thanh tra TP Hà Nội vừa có công bố kết luận thanh tra đất rừng tại 2 xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ 2008 đến nay.
Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn đã không chỉ đạo khắc phục vi phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND Hà Nội. Bên cạnh đó, UBND các xã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều tồn tại, sai phạm kéo dài về mua bán, chuyển nhượng đất đai, về xây dựng.
Hồ sơ của vụ việc đang được chuyển sang Cơ quan điều tra của Công an Hà Nội để tiếp tục điều tra, làm rõ các vi phạm trong quy hoạch rừng từ năm 2008.
Hàng trăm công trình xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn vẫn chưa bị tháo dỡ. Ảnh: Duy Linh. |
Hàng trăm công trình sai phạm chưa được xử lý
Theo kết luận, UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 đã không xác định đúng, đủ và chính xác số lượng các công trình vi phạm. Huyện cũng không kiên quyết xử lý 659 công trình sai phạm xây trên đất rừng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và UBND Hà Nội khiến các công trình sai phạm tiếp tục tăng, với quy mô lớn hơn.
Đến năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn xác định có 555 công trình vi phạm. Trong số này có đến 485 công trình vi phạm chưa được xử lý.
Bên cạnh đó, việc xác định số lượng công trình vi phạm của huyện năm 2017 cũng không chính xác. Trên thực tế, riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Với việc xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), huyện Sóc Sơn vẫn chưa thu hồi 2/10 sổ đỏ cấp không đúng đối tượng. Chủ sử dụng hai thửa đất trên đã chuyển nhượng đất và chính quyền Sóc Sơn lại làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ cho người mua vào năm 2009, 2017.
Ngoài ra, huyện Sóc Sơn đã ban hành 63 quyết định và thông báo thu hồi sổ đỏ của đất ở nằm trong quy hoạch rừng, nhưng thực tế chưa thu hồi, các hộ dân vẫn sử dụng để ở. Kết luận cũng nêu rõ huyện Sóc Sơn không kiểm tra và xử lý với 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng.
Sau khi thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng, huyện không thống kê, không kiểm tra, để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng. Việc này khiến tình hình phức tạp hơn, đặc biệt, là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan và lâm trường Sóc Sơn.
Hình ảnh từ trên cao của tổ hợp vui chơi giải trí khoét sâu vào bên trong khu vực rừng phòng hộ ở Sóc Sơn. Ảnh: Hiếu Duy. |
Hầu hết trường hợp chuyển nhượng, người bán đất không có giấy tờ sử dụng đất nhưng vẫn được UBND xã chứng thực, xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng, dẫn đến người nhận chuyển nhượng đất xây dựng nhiều công trình lớn trong quy hoạch rừng.
Sẽ cưỡng chế các công trình vi phạm
Thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an Hà Nội với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến xây dựng công trình vi phạm quy hoạch rừng năm 2008.
Cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm tập thể và cá nhân liên quan qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 đã không nghiêm túc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP để xảy ra các vi phạm như kết luận nêu.
Thanh tra cũng đề nghị UBND TP tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 ở 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, thanh tra đề nghị lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.
Từ ngày 20/10/2018, Zing.vn có loạt bài phản ánh sai phạm của huyện Sóc Sơn trong việc cấp 229 “sổ đỏ” cho hộ nhận khoán hoặc nhận chuyển nhượng đất lâm trường. Huyện này còn buông lỏng quản lý khiến rừng bị "xẻ thịt".
Ngày 30/10/2018, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn. Với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, ông Chung yêu cầu Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và huyện Sóc Sơn phải ra quyết định cưỡng chế vi phạm trong tháng 12, không được để công trình vi phạm mới nào tồn tại.