Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử lý vụ 'xẻ thịt' đất rừng ở Sóc Sơn chậm chạp, chưa đến nơi đến chốn

Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam khẳng định việc xử lý vi phạm quản lý, sử dụng đất rừng ở huyện Sóc Sơn sau thanh tra là chưa đến nơi đến chốn.

Chiều 29/11, Thường trực HĐND Hà Nội họp báo thông tin về kỳ họp thứ 7 (HĐND) khóa XV diễn ra từ ngày 4 đến 6/12. Trả lời báo chí về việc giám sát xử lý vi phạm quản lý, sử dụng đất rừng ở huyện Sóc Sơn, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam thừa nhận việc đôn đốc xử lý vi phạm có sự chậm trễ.

"Đúng là có việc thực hiện khắc phục sai phạm chưa đến nơi đến chốn, chưa quyết liệt, chậm chạp", ông Nam nói và cho rằng vi phạm đất đai không chỉ xảy ra ở mỗi Sóc Sơn. HĐND Hà Nội đã thường xuyên giám sát và có kết quả cả ở huyện Ba Vì và một số địa điểm khác.

Theo ông Nam, riêng huyện Sóc Sơn, năm 2006, Ban Pháp chế giám sát và phát hiện ra vi phạm, sau đó thanh tra đã vào cuộc và cách chức hơn 10 cán bộ cấp xã và lãnh đạo huyện.

Cham xu ly vi pham quan ly dat rung Soc Son anh 1
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội, trả lời báo chí. Ảnh: Thắng Quang.

"Thanh tra Chính phủ vào cuộc và chuyển hồ sơ đề nghị điều tra khởi tố thì hàng loạt lãnh đạo xã đã đi tù. Việc tổ chức triển khai kết luận thanh tra chậm", Trưởng ban Pháp chế nhấn mạnh và thông tin về việc đang đợi kết luận của Thanh tra Thành phố, không chỉ rà soát các vi phạm cũ mà kể cả vi phạm mới để có hướng xử lý.

Theo chương trình, tại kỳ họp này, HĐND Hà Nội xem xét thảo luận các báo cáo nhiều lĩnh vực công tác thực hiện trong năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 như tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; dự toán thu, chi ngân sách; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng…

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ kiện toàn chức danh thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP; thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 36 người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực HĐND Hà Nội, nhấn mạnh việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết 85 của Quốc hội, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban công tác đại biểu.

"Chúng tôi thực hiện công khai, công tâm, khách quan, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật", ông Tuấn nói.

Cham xu ly vi pham quan ly dat rung Soc Son anh 2
Phó chủ tịch Thường trực HĐND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin về kỳ họp thứ 7, HĐND Hà Nội. Ảnh: Thắng Quang.

Đến nay, những người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo tới các đại biểu HĐND Hà Nội nghiên cứu đúng thời gian quy định. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa là sự động viên, khích lệ những ưu điểm, trách nhiệm đối với công việc vừa là sự nhắc nhở đối với những tồn tại, hạn chế để người được HĐND bầu kịp thời có biện pháp khắc phục thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, cống hiến, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ", vị này nhấn mạnh.

Ngay sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, HĐND Hà Nội sẽ thực hiện phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt

Tại kỳ họp thứ 7 vào đầu tháng 12, HĐND Hà Nội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 37 chức danh chủ chốt do HĐND bầu.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm