Ngày 23/8, tại cuộc họp thường kỳ tháng 8 của UBND Nghệ An, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Đường, cho biết UBND tỉnh sẽ thành lập tổ kiểm tra quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện.
Theo đó, ông Đường giao cho ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng tổ chức 2 tổ kiểm tra nhằm đánh giá tình hình xả lũ của các thủy điện trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Đào Tuấn.
|
Trong đó, một tổ thực hiện giám sát, theo dõi quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện, nhất là đối với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Trên cơ sở đó xác định xem các nhà máy có thực hiện đúng quy trình hay không và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Thậm chí phải kiểm tra nhật ký vận hành xả lũ.
Người đứng đầu tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Tài chính sớm có giải pháp cân đối ngân sách hỗ trợ cho các địa phương, có thể ứng trước kinh phí và nếu cần phải dùng ngân sách dự phòng năm 2018 nhằm giúp các địa phương và người dân khắc phục hậu quả bão lụt.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết đợt mưa lũ từ ngày 16 đến 23/8 đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương và người dân các huyện miền núi và một số địa phương, đặc biệt là các huyện như Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quế Phong, Anh Sơn, Thanh Chương.
Tổng thiệt hại về kinh tế do đợt mưa lũ vừa qua gây ra là trên 786 tỷ đồng.
Thủy điện bản Vẽ xả lũ vào ngày 30/7. Ảnh: Phạm Hòa. |
Hậu quả của lũ lụt vượt quá nguồn lực khắc phục nên tỉnh Nghệ An đề nghị Trung ương trước mắt hỗ trợ cho tỉnh 351,74 tỷ đồng. Trong đó có hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất nông nghiệp, xây dựng các khu tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân bị sạt lở đất đá, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sửa chữa các công trình hạ tầng cơ sở bị sạt lở, hư hỏng…
Trên địa bàn Nghệ An hiện có 37 nhà máy thủy điện lớn nhỏ các loại.
Thủy điện Bản Vẽ nằm ở khu vực miền núi phía tây Nghệ An, cách TP Vinh chừng 200 km. Ảnh: Google Maps.
|