Ảnh: Việt Linh. |
(Nội dung thuộc Phần thứ nhất: Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị)
4. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng
Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng ngày càng được đặc biệt coi trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, nhất là Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 và Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; ban hành, sửa đổi, bổ sung 80 văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; 43 quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với các tổ chức đảng, cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Các cơ quan nhà nước ban hành một số văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng về việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, có hiệu lực, hiệu quả, nhất là ở cấp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương quan trọng đã ban hành, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, có vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm; kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán, các cơ quan tố tụng ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật. Chủ trương công khai kịp thời kết luận kiểm tra đã có tác động tích cực, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Việc xử lý nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Giai đoạn 2007-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tổ chức 530.698 đoàn kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới; kiểm tra, giám sát đối với 1.079.580 cấp ủy, tổ chức đảng, 3.534.034 đảng viên; kỷ luật 8.011 tổ chức đảng, 205.466 đảng viên. Nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lập 36 đoàn kiểm tra đối với 110 lượt tổ chức đảng trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; nhiệm kỳ Đại hội XIII, tính đến tháng 6/2022, lập 21 đoàn kiểm tra đối với 53 tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Tuy nhiên, nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ, sâu sắc; hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đồng đều ở các cấp; chưa kiểm tra, giám sát đầy đủ nghị quyết, chủ trương của Đảng. Một số nơi, công tác kiểm tra còn thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; còn nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chưa được phát hiện kịp thời; công tác giám sát có lúc, có nơi chưa thực chất, còn hình thức; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm chưa cao. Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn nể nang, ngại va chạm. Chất lượng của một số cán bộ làm công tác kiểm tra chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
5. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kiểm soát quyền lực
Kiểm soát quyền lực, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và nhiều văn bản của Đảng. Trong những năm qua, Đảng luôn quan tâm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tạo được chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”.
(1) Lãnh đạo việc cụ thể hóa cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, hình thành các cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp với vị trí, tính chất của từng thiết chế quyền lực. Tăng cường công khai, minh bạch về hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc ban hành Luật tiếp cận thông tin, Luật bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, công chức nhà nước trước Nhân dân về các quyết định của mình. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
(2) Ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; từng bước hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Từ năm 2013 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
(3) Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; từng bước hạn chế nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Từ năm 2013 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, ban hành, sửa đổi, bổ sung 165 luật, 10 pháp lệnh, 130 nghị quyết về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng nghìn nghị định, nghị quyết, quy định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành gần 88 nghìn văn bản để triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
(4) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đồng bộ giữa xử lý kỷ luật, xử lý hành chính với xử lý hình sự. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu có vi phạm liên quan đến các vụ án; khẳng định rõ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
(5) Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế và tập trung chỉ đạo ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt”. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn; số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng được nâng lên.
(6) Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo; thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy được tái lập; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ được củng cố, kiện toàn, đã có nhiều nỗ lực, cố gắng; hiệu quả tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng cao. Các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng phát huy tốt vai trò, tham mưu các chủ trương, chính sách lớn về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo quyết liệt trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; lựa chọn các khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống tham nhũng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục.
Các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vào cuộc ngày càng quyết liệt, hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng được tăng cường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc, nâng cao hiệu quả công tác.
(7) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công tác cán bộ. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; công khai kết quả xử lý tham nhũng, tăng cường định hướng dư luận; huy động sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn bất cập; vẫn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa thật đầy đủ, đồng bộ. Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Giáo dục liêm chính, đạo đức công vụ, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội; là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.