Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiểm toán chỉ ra vấn đề gì trong sử dụng vốn ODA ở dự án metro TP.HCM?

Ngoài những sai phạm trong điều chỉnh quy mô và thiết kế, dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những hạn chế trong giải ngân và sử dụng vốn ODA.

Trong báo cáo kết quả kiểm toán về dự án Metro số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết giai đoạn 2007-2016, vốn ODA của dự án metro số 1 không giải ngân theo kế hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao hàng năm mà được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án.

Điều này dẫn tới số vốn ODA được giải ngân thanh toán lớn hơn nhiều so với dự toán được Chính phủ giao. Cụ thể, TP.HCM đã giao vượt 7.190 tỷ đồng vốn ODA cho dự án đường sắt đô thị này so với kế hoạch vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2007-2016.

Giải ngân chưa phù hợp thực tế và luật ngân sách

Kiểm toán Nhà nước cho hay việc giao việc giao kế hoạch vốn vay ODA của dự án này chưa phù hợp với thực tế, giải ngân vốn vượt dự toán, chưa phù hợp quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002.

von oda su dung du an metro so 1 o tphcm anh 1
Nhiều thiếu sót trong công tác giải ngân vốn cho dự án metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được chỉ ra.

Trong khi đó, từ năm 2017 đến nay, nguồn vốn ODA của dự án phải giải ngân theo kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nhưng do công tác lập kế hoạch vốn cho dự án chưa sát với thực tế, không phù hợp với khả năng thực hiện. Điều này dẫn đến nguồn vốn ODA không giải ngân được theo tiến độ cam kết để thanh toán cho khối lượng công việc đã hoàn thành của dự án.

Nếu so với tổng mức đầu tư của dự án và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao, số vốn ODA cần cho dự án còn thiếu tới 25.798 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc bố trí vốn đối ứng của địa phương cho dự án trong trung hạn chưa đầy đủ và kịp thời, dẫn đến vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 hạn thiếu 1.860 tỷ đồng.

“Bộ Tài chính và UBND TP.HCM mới chỉ thực hiện ký hợp đồng vay lại, tuy nhiên hợp đồng lại chưa xác định được giá trị vay lại cụ thể là bao nhiêu. Do vậy thiếu cơ sở để lập kế hoạch vốn cho dự án”, Kiểm toán Nhà nước khẳng định.

Trước đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị từng báo cáo về việc sử dụng vốn tại dự án này, trong đó vốn ODA bố trí kế hoạch năm 2017 và trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa đáp ứng nhu cầu.Trong khi năm 2017, dự án cần 5.422 tỷ đồng thì vốn ODA được giao chỉ là 2.119 tỷ đồng (39%), giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn là 20.930 tỷ đồng thì tuyến metro 1 cũng chỉ được giao 7.500 tỷ đồng (36%). Việc này khiến quá trình hoàn thành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM gặp nhiều khó khăn.

von oda su dung du an metro so 1 o tphcm anh 2
 

Tỷ lệ giải ngân vốn thấp

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc giải ngân vốn thuộc kế hoạch vốn được giao năm 2018 đến nay đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt vốn nước ngoài (do UBND TP.HCM vay lại) chưa giải ngân được số nào trong tổng 1.052 tỷ đồng. Tương tự, vốn đối ứng trong nước giải ngân cũng chưa đạt 6% trong tổng số 350 tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra do vốn ODA là phần vốn phục vụ giải ngân cho gói thầu số 3, nhưng gói thầu này lại thiếu giám đốc dự án từ tháng 6/2016 nên nhà thầu không lập và trình chủ đầu tư hồ sơ thanh toán cho phần khối lượng công việc đã thực hiện. Trong khi đó, nguồn vốn đối ứng là do chủ đầu tư và nhà thầu đang thực hiện đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh điều khoản liên quan đến thuế giá trị gia tăng của gói thầu xây lắp.

Bên cạnh đó, việc bố trí vốn đối ứng Ngân sách Nhà nước cho dự án hết năm 2018 đạt tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư dự án, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn còn nợ thuế giá trị gia tăng đối với các nhà thầu khoảng 127,4 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tỷ giá JPY/VND phục vụ rút vốn vay (JPY) giải ngân bằng VNĐ của dự án có tác động trực tiếp đến giá trị nhận nợ của bên vay là Chính phủ Việt Nam. Nhưng Bộ Tài chính chưa có biện pháp kiểm tra, kiểm soát quá trình xác định tỷ giá, chỉ thống nhất về thời điểm lấy tỷ giá để thông báo cho ngân hàng đại lý của nhà tài trợ rút vốn.

“Tồn tại hạn chế nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM và Ban Quản lý Đường sắt đô thị”, Kiểm toán Nhà nước kết luận.

von oda su dung du an metro so 1 o tphcm anh 3
Việc rút vốn vay bằng tiền Yên (JPY) nhưng lại giải ngân bằng tiền VNĐ đã tác động trực tiếp đến giá trị nhận nợ của bên vay là Chính phủ Việt Nam.

Trong khi đó, với nguồn vốn tạm ứng từ ngân sách địa phương, Kiểm toán Nhà nước cho biết chủ đầu tư dự án metro số 1 chưa tuân thủ hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hoàn vốn ứng. Trên thực tế, các chứng từ phản ánh việc nhà thầu chưa trả lại tiền vào tài khoản của ngân sách TP.HCM.

Phần tiền chênh lệch tỷ giá qua việc chuyển đổi từ tiền JPY sang đồng VNĐ để hoàn trả vốn ứng cũng chưa được chủ đầu tư nộp vào ngân sách thành phố theo quy định. Ước tính, giá trị chênh lệch tỷ giá phát sinh sau khi hoàn trả ngân sách thành phố vốn ứng lần 1 năm 2017 là 6,7 tỷ đồng.

Ghi thu, chi thiếu gần 5.000 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra chủ đầu tư dự án này chưa lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo niên độ Ngân sách Nhà nước đối với các niên độ trước năm 2015. Việc này chưa tuân thủ quy định của Bộ Tài chính.

Qua công tác rà soát, đối chiếu với số liệu ghi thu, chi, tổng số ghi thu, chi dự án lũy kế đến nay đạt khoảng 11.849 tỷ đồng. Nhưng vẫn còn thiếu gần 60 tỷ đồng ghi thu, chi do sai tỷ giá.

Ngoài ra, Sở Tài chính TP.HCM đã không thực hiện ghi thu, chi phần vốn vay trong báo cáo quyết toán ngân sách địa phương từ năm 2007-2014.

Cụ thể, lũy kế vốn vay ODA quyết toán theo Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương từ niên độ 2015-2017 là 4.553 tỷ đồng. Còn lũy kế vốn vay thực rút của dự án từ lần giải ngân đầu tiên (tháng 3/2008) đến hết năm 2017 lên tới 11.874 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền tạm ứng chưa thu hồi là 2.375 tỷ đồng. Như vậy, giá trị chưa ghi thu, chi trong báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của dự án metro này lên tới 4.946 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lũy kế vốn đối ứng quyết toán theo Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước TP.HCM từ đầu dự án (2007) đến hết 2017 là 1.264 tỷ đồng. Thấp hơn nhiều so với lũy kế vốn đã thanh toán được Kho bạc Nhà nước TP.HCM xác nhận là 1.442 tỷ đồng. Trong đó, tiền tạm ứng chưa thu hồi là 173 tỷ đồng và giá trị chưa quyết toán trong báo cáo là hơn 6 tỷ đồng.

Toàn cảnh tuyến metro thiếu nợ hơn 100 triệu USD ở TP.HCM

Metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoàn thành năm 2019 thế nhưng mới chỉ hoàn thành 56% khối lượng thi công, có nguy cơ bị tạm dừng vì thiếu nợ. Nhiều dự án khác cũng bị đội vốn.


Chuyển kết cấu dầm khiến dự án metro số 1 ở TP.HCM đội vốn 1.420 tỷ

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả kiểm toán về dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm của dự án này.


Quang Thắng

Ảnh: Lê Quân

Bạn có thể quan tâm