Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiểm toán BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Kiểm toán Nhà nước xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính mà doanh nghiệp thực hiện dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã lập.

Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa ký quyết định kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn tại Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân -Cầu Giẽ (Hà Nội).

Các đối tượng chịu kiểm toán là Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (doanh nghiệp dự án).

kiem toan Phap Van - Cau Gie anh 1
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường cửa ngõ từ Hà Nội đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình... với lưu lượng xe lớn. Ảnh: Ngọc Tân.

Mục tiêu của đợt kiểm toán này là xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính do doanh nghiệp dự án lập và đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, chế độ tài chính, kế toán của Nhà nước và quy định của hợp đồng BOT.

Phạm vi kiểm toán là từ khi triển khai dự án đến ngày 31/10 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Thời hạn kiểm toán là 50 ngày kể từ thời điểm công bố quyết định kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng, phát hiện tham nhũng, lãng phí, sai phạm để xử lý theo pháp luật...

Với đặc thù là tuyến cao tốc cửa ngõ phía nam của thủ đô, Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng phương tiện lớn. Theo đại diện doanh nghiệp BOT, hàng ngày trên tuyến đường này có trên 50.000 xe qua lại. Dịp Tết Nguyên Đán có thể tăng lên hơn 100.000 xe.

Trước đó, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và Bộ GTVT đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét kiểm toán dự án này trong năm 2019. Đây là lần thứ 2 dự án cao tốc này được Kiểm toán Nhà Nước vào làm việc.

Dự án BOT đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2013, sau đó phê duyệt điều chỉnh vào tháng 7/2014.

Trong giai đoạn 1 (hoàn thành từ tháng 9/2015), dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo 4 làn xe lên tiêu chuẩn đường cao tốc và xây dựng bổ sung hệ thống trạm thu phí, công trình phục vụ điều hành với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng.

Từ tháng 7, nhà đầu tư đã hoàn thành thi công giai đoạn 2 gồm hạng mục nâng bề rộng đường cao tốc lên 6 làn xe và xây dựng hệ thống đường gom hai bên với tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Hiện, nhà đầu tư đang hoàn thành công tác quyết toán toàn bộ dự án.

Hàng trăm công nhân bỏ việc vì đường sắt Cát Linh chậm tiến độ

Gần 1.000 công nhân được Hà Nội đào tạo để phục vụ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Do dự án chậm tiến độ quá lâu, gần 300 người đã bỏ việc.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm