Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiếm tiền với nghề đáng sợ: Sống khỏe cùng tắc kè, rắn mối

Rắn mối giá 300.000 đồng/kg, tắc kè 50.000 - 60.000 đồng/con, những món ăn đặc sản này đang được các nhà hàng, quán nhậu miền Tây săn mua để phục vụ khách sành ăn.

Được đánh giá là có thịt thơm, ngon và ngọt, lại có thể trị được một số bệnh nên nhiều năm nay, rắn mối bị săn lùng ráo riết. Nhận thấy nhu cầu thị trường, nhiều hộ nông dân miền Tây đã nhanh nhạy đầu tư nuôi loài này với số lượng lên tới hàng triệu con.

Chị Phạm Thị Lệ, ở quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ), một trong những hộ đầu tiên tham gia nuôi rắn mối thương phẩm để bán cho các nhà hàng, quán ăn lớn khắp các tỉnh miền Tây, TP.HCM.

Hiện trại nuôi rắn mối của chị Lệ có 6 chuồng lớn, 3 chuồng nhỏ với hàng ngàn con rắn mối mỗi lứa nuôi.Chị Lệ cho biết, rắn mối con nuôi từ 6 đến 8 tháng thì có thể xuất bán. Lúc này rắn đạt trọng lượng trung bình 35 con/kg. Riêng rắn mối giống, trung bình mỗi ngày chị thu được từ 70-80 con.

Lúc cao điểm, trại chị có đến 22.000 con các loại. Giá bán thịt dao động từ 300.000 đến trên 400.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình chị có thu nhập từ nuôi rắn mối đến hàng trăm triệu đồng.

Việc đầu tư nuôi không tốn kém với thức ăn chủ yếu là sâu gạo hoặc dế, các loại tép, cá tạp...con giống cũng không đắt nên ngày càng nhiều hộ dân tham gia nuôi loài này.

Ngoài tự nhân giống, mỗi năm vào mùa lũ, các hộ nuôi rắn mối tại miền Tây còn có thêm một nguồn cung ứng rắn mối giống rẻ trong tự nhiên. Rất nhiều người dân Campuchia săn bắt loài này mang sang các chợ vùng biên bán với số lượng hàng trăm kg mỗi ngày.

Nhiều năm nay, người dân vùng Bảy Núi (An Giang) đã nuôi tắc kè với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.  Loài bò sát có giá trị kinh tế cao nhưng khiến nhiều người sợ này đã giúp nông dân Bảy Núi có thu nhập ổn định.

Ông Thạch Bích, ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn – An Giang nuôi 1.000 con tắc kè, cho biết, tắc kè rất dễ nuôi, chỉ cần xây chuồng lưới cho chúng ở, trong chuồng trồng cây xanh tạo bóng râm, chúng có thể phát triển nhanh và tự sinh sản bầy đàn.

Tắc kè nuôi khoảng 18 tháng có thể xuất bán, bình quân mỗi con nặng 200 đến 300 gram/con, giá từ 50.000 – 60.000 đồng/con. Theo ông Bích, lượng tắc kè ông nuôi không đủ cung cấp cho thị trường, vì ngoài là món ăn đặc sản được ưa chuộng, tắc kè còn được biết đến là bài thuốc dân gian trị một số bệnh.

Ngoài bán con sống, ông Bích còn làm khô tắc kè bán cho người ngâm rượu, với giá bán tắc kè khô ngang với con sống. Mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 70 triệu đồng từ loài này.

Bên cạnh nuôi tập trung, nhiều người còn đi bắt tắc kè trong tự nhiên bán, vì nhu cầu thị trường lớn. Tại chợ Tịnh Biên – An Giang, mỗi ngày có hàng chục người tham gia bắt, bán tắc kè cho khách du lịch. Anh Tâm, người có hơn 5 năm trong nghề bán tắc kè và bọ cạp cho biết, ngày thường anh bán trên dưới  50 con tắc kè, riêng thứ bảy, chủ nhật số lượng thường gấp 2-3 lần.

Rượu tắc kè được ngâm chung với một số loài cây thuốc bắc được  bán ở chợ Tịnh Biên với giá từ 50.000 đến 500.000 đồng/hủ. Tắc kè cũng là món ăn không thể thiếu trong thực đơn của hầu hết nhà hàng, quán ăn vùng  Bảy Núi.

Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm