Anh Hùng, chủ cửa hàng buôn điện thoại, sim thẻ, ngừng bán hàng từ sáng sớm để nhận coi giữ xe cho khách thập phương đến hội Lim. Theo anh, khách từ các nơi thường về trảy hội bằng xe máy nên dịch vụ này rất dễ kiếm lời. Với giá 20.000 đồng/xe máy, từ sáng đến xế chiều, cửa hàng của anh đã nhận trông hơn 400 chiếc. Anh Hùng nhẩm tính lợi nhuận thu được của ngày hôm nay bằng 3, 4 lần số tiền kiếm được từ buôn bán điện thoại ngày thường. "Đến quá trưa, cửa hàng đã chật cứng xe, chiều khách nào lấy xe sớm mới có chỗ trống để người khác vào gửi", anh nói.
Bảng hiệu buôn bán điện thoại bị thay thế bằng tấm biển quảng cáo dịch vụ trông, giữ xe. Ảnh: Phương Nhung. |
Không riêng anh Hùng, dãy các cửa hàng mặt đường lớn gần hội Lim, từ quán ăn, tiệm rửa xe, kinh doanh nội thất đến buôn chim cảnh… cũng chuyển sang nghề trông giữ xe.
Có không gian rộng nên chủ cửa hàng rửa xe triển khai dịch vụ này. Anh nhận trông xe máy với giá 20.000 đồng/chiếc, ô tô là 50.000 - 60.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, anh còn nhận trông xe ban đêm với giá 100.000 đồng/chiếc. Chủ kinh doanh này cho biết, nhiều khách hàng tới hội Lim từ ngày 12 âm lịch nên có nhu cầu gửi xe qua đêm. Chưa đầy 2 ngày, cửa hàng của anh đã kiếm được hơn 4 triệu đồng từ dịch vụ này.
Tiệm rửa xe thay dầu ở đường lớn giáp lối vào cổng hội Lim cũng tạm ngừng hoạt động để nhận trông giữ xe. Ảnh: Phương Nhung. |
Sở hữu cửa hàng nước ngay mặt đường lớn gần hội Lim, cô Nguyễn Thị Hoa cũng tranh thủ nhận coi giữ xe. Với giá coi xe 30.000 đồng/xe, kèm bán nước cô Hoa kiếm được tiền triệu trong ngày hôm nay. Cô cho biết, cả một năm mới có một ngày như vậy nên hai mẹ con phải dậy từ 4h sáng để nhận chỗ coi xe. "Trông xe chỉ mất công kiểm soát vé, không cần vốn nên cứ tính đầu xe là ra tiền. Doanh thu một ngày hội có khi bằng cả tháng bán nước", cô chia sẻ.
Tấm biển bán quần áo "Made in Việt Nam" bị trưng dụng để quảng cáo dịch vụ trông xe ô tô. Ảnh: Phương Nhung. |