Bất chấp mưa lạnh những ngày cận Tết, nhiều người dân các xã Nậm Càn, Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn tấp nập kéo vào rừng cắt lá dong về bán cho thương lái. Giá lá dong tăng gấp đôi so với năm trước khiến nhiều hộ dân tạm gác lại việc nương rẫy, tập trung huy động các thành viên trong gia đình đi vào rừng cắt lá dong về bán.
Người dân xã Nậm Càn đi hái lá dong rừng về bán cho thương lái. Ảnh: Phạm Hòa. |
Anh Và Bá Tảnh (ở bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn), cho biết từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều thương lái đã đến tận nhà đặt mua lá dong số lượng lớn, với giá 17.000-20.000 đồng/bó 100 lá, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi khiến lá dong năm nay có phần khan hiếm, phải đi sâu vào tận trong rừng mới có lá to và đẹp. Hơn tuần qua, hai vợ chồng anh Cô vào rừng cắt được gần 100 bó mỗi ngày. Với giá bán 19.000 đồng/bó, mỗi ngày hai vợ chồng anh Tảnh có thể bỏ túi gần 2 triệu đồng.
Thương lái đánh xe tải vào tận xã để mua lá dong đem về xuôi. Ảnh: Phạm Hòa. |
“Vất vả lắm, hai vợ chồng tôi thường thức dậy đi vào rừng từ tờ mờ sáng và trở về nhà lúc trời tối mới kiếm được 100 bó lá dong. Trời mưa, lạnh nhưng giá lá dong năm nay tăng cao đột biên nên tôi vẫn bảo vợ đi cùng để kiếm chút tiền mua sắm Tết”, anh Tảnh chia sẻ.
Người nông dân này cũng cho biết kiếm được 1 triệu mỗi ngày là một số tiền lớn nên hơn 2 tuần qua nhiều người dân trong bản đều nghỉ việc đi cắt lá dong.
Chị Và Lìa Na (38 tuổi, ở bản Huồi Giảng 3, xã Kỳ Sơn), cho biết rất đông người dân kéo nhau vào rừng để “săn” lá dong về bán cho thương lái. Lá dong rừng có màu xanh óng, lá dai, tròn to nên được bà con dưới xuôi ưa chuộng. Các thương lái “tranh giành” nhau từng bó một mỗi khi có người đi cắt lá về.
Chị Và Lìa Na đang sắp xếp lại số lá dong mà gia đình vừa hái được từ rừng về chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: Phạm Hòa. |
Ông Và Bá Dì - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Càn cho biết từ đầu tháng 12 âm lịch các thương lái đã đưa ôtô tải về tận xã để mua lá dong. Bình quân cứ 3 ngày lại có một xe chở đầy lá dong về xuôi. Không chỉ người lớn mà nhiều trẻ em cũng theo người lớn vào rừng hái để kiếm thêm thu nhập.