Cách đây hai năm, có cậu em thân thiết chập chững làm doanh nhân, lợi nhuận ròng mỗi tháng cỡ đôi đồng, đến nhà tôi chơi. Thấy sách được quây kín tường, cậu em thích lắm nhưng thú thực: Không hiểu sao em chưa đọc hết một cuốn sách nào, cứ đọc được vài trang là bỏ. Cậu kết luận: Em thấy kiếm tiền dễ hơn đọc hết một cuốn sách anh ạ!
Tôi bảo, anh thấy các doanh nhân thành đạt trên thế giới thường đọc nhiều sách, nên em muốn lợi nhuận nhiều hơn hiện tại thì bắt buộc phải đọc sách đấy. Cậu em chưa phục, hỏi anh đọc nhiều sách vậy mà sao chưa giàu, thu nhập hàng tháng chưa bằng số lẻ của em?
Tôi cứng lưỡi không biết trả lời thế nào vì thực tế tại thời điểm đấy đúng là như thế.
...
Đúng ngày doanh nhân (13/10) năm sau, tôi đi công tác không ở Hà Nội, cậu em gọi điện muốn đến nhà mượn sách. Tôi thấy lạ, gặng hỏi thì biết cậu đang làm ăn khó khăn, khó đủ thứ: Nhân sự, khách hàng... Tôi hỏi thêm muốn mượn sách gì, cậu bảo anh thấy sách gì cần thiết và dễ đọc nhất thì bảo em...
Sách Trường học hay trường đời. |
Tôi chắp tay lạy ông em, vì xem chừng kiểu này cũng vẫn khó mà đọc hết cuốn sách mình giới thiệu. Chợt nhớ ra là cậu này từng thích xem một số video clip của TS Lê Thẩm Dương nên mình giới thiệu cuốn sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công. Hy vọng với tình cảm có sẵn với TS Lê Thẩm Dương, cộng với nội dung cuốn sách thiết thực, cậu em này sẽ đọc trọn vẹn cuốn sách đầu tiên trong đời.
Đọc sách siêu tốc
Chắc nhiều người cũng giống như tôi thời học cấp 1, cấp 2, thích đọc ngấu nghiến tất cả những cuốn sách mình vớ được, thậm chí là cả những cuốn sách không phù hợp với độ tuổi.
Thời điểm đó đọc sách rất nhanh, đọc đến đâu nhớ đến đó. Có người còn thuộc lòng những cuốn tiểu thuyết dày 500 trang và nhớ đến hàng chục năm sau. Có những cuốn sách ám ảnh người đọc suốt một thời gian rất dài, ảnh hưởng “nghiêm trọng” đến ước mơ nghề nghiệp, phong cách sống của người đọc.
Ví dụ như tôi, hồi học cấp 2 (bây giờ là THCS) tình cờ được đọc nhiều sách của Victor Hugo, Alexandre Dumas... do mẹ tôi là cô giáo dạy Văn kiêm chức giữ chìa khoá thư viện trường, thế là tôi thích tất cả những gì liên quan đến Pháp, đi ngủ cũng mơ được đến Pháp. Sau này, học THPT ở một trường quê mà lại quyết tâm thi đại học ngành tiếng Pháp, cả trường có mỗi tôi.
May mắn là tôi đỗ, nhưng quãng thời gian năm đầu học đại học thật là “kinh hoàng” khi bạn bè trong lớp đa phần đến từ các trường chuyên ngoại ngữ nổi tiếng trên khắp cả nước. Nhưng cuối cùng cũng vượt qua hết. Rồi tôi được học bổng sang Pháp thật... Ngẫm lại thì động lực để tôi vượt qua tất cả khó khăn đều đến từ một tình yêu, một niềm tin rất khó lý giải do những cuốn sách tôi đã đọc từ những năm cấp 2.
Bây giờ, công việc yêu cầu tôi phải đọc nhanh và đọc nhiều hàng ngày. Thú thực, nhiều nội dung tôi đọc xong chẳng nhớ được lâu và chẳng còn cái cảm giác háo hức ngày nào. Và chắc chắn nó không còn ảnh hưởng nhiều đến bản thân tôi nữa.
Gần đây, sinh viên hay hỏi tôi là có nên tham gia các khoá dạy đọc sách siêu tốc được quảng cáo trên mạng, ví dụ đọc một tiểu thuyết của Victor Hugo hay Alexandre Dumas chỉ mất 30 phút. Tôi không tham gia các khoá học này nên không đánh giá về chất lượng, nhưng chắc chắn một điều, nếu muốn đọc sách để thay đổi bản thân mình thì chẳng có cách nào thay thế được việc phải đọc trọn vẹn cả cuốn sách, thậm chí phải đọc thật chậm và đọc nhiều lần.
Đọc nhiều sách thì không thể là người xấu?
Khi còn bé, mẹ tôi dạy, nếu trong nhóm bạn, đứa nào thích đọc sách thì con nên kết thân với nó vì những người đọc nhiều sách không thể là người xấu.
Tôi vẫn giữ quan điểm này đến tận bây giờ, mặc dù có lần, một ông anh thân thiết đã cảnh báo: Mày đừng có ngây thơ, có những người đọc nhiều sách không phải là người xấu mà là quá xấu; và có những người không đọc sách vẫn là người tốt. Tôi công nhận những gì anh nói từng xảy ra trong thực tế, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn rất có cảm tình với những người đọc nhiều sách.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh (giữa) ký tặng sách sinh viên. |
Tôi và cậu con trai, tính cách có nhiều điểm trái ngược nhau, sở thích cũng có nhiều điểm không giống nhau, nhiều lúc hai bố con tranh luận căng thẳng đến mức mẹ phải “nhảy” vào can thiệp. May là hai bố con đều cùng thích một số thứ, trong đó có sách.
Có những đợt, bà xã đi công tác vào dịp cuối tuần, hai bố con cứ dắt nhau đến nhà sách là êm. Bố vào khu vực sách bố thích, con vào khu vực sách con thích. Thời gian qua nhanh kinh khủng. Trưa mẹ gọi điện về kiểm tra thấy mọi thứ yên bình đến nỗi không tin vào tai mình. Tất cả là nhờ sách.
Tôi hay vào các nhà sách, một phần là để tìm hiểu thị trường, phục vụ công việc, nhưng phần quan trọng hơn là được nhìn ngắm những bìa sách đẹp, xem mục lục và lướt qua những hình ảnh trong sách (nếu có). Tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh những độc giả đủ lứa tuổi đứng/ngồi ở một góc nhà sách đắm mình vào những trang sách, quên hết mọi thứ xung quanh. Yêu vô cùng.