Trong buổi trao đổi trực tuyến do Grab Ventures tổ chức với chủ đề “Startup cần làm gì để sinh tồn qua giai đoạn khó khăn” dưới tác động của dịch Covid-19, các chuyên gia nhận định đây là thời điểm khó khăn chưa từng có đối với môi trường khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và bán lẻ.
Vì vậy, các chuyên gia đã đưa ra một số kịch bản có thể xảy ra cũng như loạt biện pháp về mặt tài chính, nhân lực mà các startup cần lưu tâm.
Ba kịch bản cho sự phục hồi
Ông Nguyễn Hoa Cương, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định các ưu tiên của xã hội vào thời điểm này đang thay đổi.
“Ảnh hưởng của đại dịch lên từng cá nhân rất lớn. Tuy nhiên, tôi mong rằng trước hết, mọi người cần kiên cường, sống tích cực và thực sự hỗ trợ lẫn nhau vào lúc này để cùng nhau vượt qua”, ông nói.
Startup cần chuẩn bị biện pháp về tài chính và nhân sự để phục hồi hậu Covid-19. Ảnh: Pexel. |
Ông Cương cho rằng, khó có thể đưa ra một cách chính xác tình hình khó khăn này sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng dựa vào diễn biến thời gian, có thể đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong thời gian tới.
Thứ nhất là một kịch bản mang tính lạc quan. Đó là khi xã hội có thể quay trở lại trạng thái bình thường trong 4 tuần từ lúc này. Tuy nhiên, đây chỉ là kịch bản lạc quan dành cho thị trường Việt Nam bởi những diễn biến tích cực của dịch bệnh tại đây. Với tình hình hiện tại trên toàn cầu, các nước khác sẽ mất nhiều thời gian hơn để khống chế dịch. Vì vậy, với kịch bản này, các startup sẽ phải tập trung vào thị trường nội địa trước cho đến khi những quốc gia khác kiểm soát được dịch.
Thứ 2 là một kịch bản cơ bản hơn mà ở đó, chúng ta hy vọng Việt Nam có thể kiểm soát dịch bệnh vào khoảng tháng 6. Chính vì vậy, sau quý III sẽ là lúc các doanh nghiệp cố gắng phát triển ổn định như bình thường. Trong kịch bản này, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi do những tổn thương đáng kể mà dịch bệnh gây ra. Đồng thời, đây cũng là thời điểm các quốc gia khác bắt đầu có thể kiềm chế được dịch bệnh.
Kịch bản cuối cùng được ông Cương nhận định là một kịch bản khá bi quan khi cần thêm 3 tháng nữa cho Việt Nam và các nước khác kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.
“Theo kịch bản thứ 3 này, chỉ đến khoảng quý IV, chúng ta mới có thể trở lại trạng thái bình thường. Vì vậy, các startup cần cố gắng hết sức trong quý IV để phục hồi mọi thứ. Việc này đòi hỏi nỗ lực rất lớn”, đại diện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhận định.
Giải pháp “gỡ rối" cho từng kịch bản
Chia sẻ về giải pháp “gỡ rối" cho từng kịch bản, bà Vy Lê, Đối tác điều hành Quỹ ESP Capital cho rằng với cả hai kịch bản đầu tiên, các startup cần có sự xem xét kỹ lưỡng về dòng tiền và con đường phát triển trong tương lai gần.
“Đầu tiên, chúng ta cần phải nghĩ về nguồn cầu của thị trường. Với nguồn cầu đó, doanh thu và tổng lợi nhuận sẽ ảnh hưởng ra sao, doanh nghiệp có nên giảm giá và giảm tỷ suất lợi nhuận gộp để đảm bảo dòng tiền hay không”, bà Lê Vy chỉ ra.
Ngoài ra, bà cũng nhận định, doanh nghiệp cũng cần xem xét bài toán doanh thu trong trường hợp xấu khi dịch kéo dài đến năm sau.
Bên cạnh đó cũng cần xem xét về khía cạnh chi phí, nếu doanh thu không có dưới tác động của dịch, việc quan trọng nhất startup phải làm là tối ưu hóa các khoản chi phí.
“Quy tắc tôi đặt ra vào thời điểm này là cân nhắc những khoản chi thiết yếu, đồng thời đánh giá các khoản chi ít có khả năng làm tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng”, bà Lê Vy phân tích.
Startup cần xem xét kỹ lưỡng về dòng tiền và con đường phát triển trong tương lai gần. Ảnh: Pexel. |
Theo giả thuyết, nếu vẫn có một nhu cầu khách hàng nhất định, startup có thể dành một khoản chi phí cho marketing để duy trì nhu cầu đó. Giả sử, trong trường hợp xấu nhất nếu không có nhu cầu, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm tất cả chi phí tiếp thị để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Khoản chi phí lớn tiếp theo thông thường là bài toán về nhân sự. Đây là vấn đề mà tất cả đội ngũ quản lý của doanh nghiệp đều phải thận trọng. Nếu cắt giảm đáng kể số lượng nhân sự, công ty sẽ không có nguồn lực để phục hồi. Lời khuyên của bà dành cho những người sáng lập là phải nghĩ cho nhân viên và có những chính sách hỗ trợ thích hợp để tồn tại qua thời điểm khó khăn.
Bình luận