Sau 4 lượt trận, tuyển Việt Nam là cái tên duy nhất trong 12 đội tuyển ở vòng loại thứ ba chưa giành được điểm nào. Dù vậy, vẫn có những cơ sở để tin vào khả năng giành điểm của tuyển Việt Nam khi hiệu số của đội tuyển đang là 4-10.
Có bàn thắng nghĩa là đội tuyển đủ khả năng cạnh tranh, rượt đuổi tỷ số trong từng trận đấu và giành điểm.
Cục diện bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Đồ họa: Minh Phúc. |
Quang Hải và đồng đội hiện còn 6 trận ở vòng loại lần lượt với Nhật Bản (lượt đi), Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc, Oman và Nhật Bản (lượt về). Trong số này, có tới 4 trận sân nhà tại Mỹ Đình. Chúng ta có thể chia 6 trận này làm 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm 3 trận đầu với Nhật Bản, Saudi Arabia (sân nhà) và Australia (sân khách). Saudi Arabia và Australia đang chia nhau 2 vị trí đầu bảng trong khi Nhật Bản vẫn là đội tuyển được đánh giá có cơ hội lớn nhất bảng B theo dự đoán của We Global Football.
Tuyển Việt Nam sẽ gặp 3 đối thủ này khi họ đang đạt phong độ cao và sẽ chơi với 100% sức mạnh trong giai đoạn cạnh tranh vị trí căng thẳng. Đây không phải những trận đấu mà thầy trò ông Park nên kỳ vọng.
Trọng tâm của tuyển Việt Nam nên dành cho nhóm thứ 2 gồm 3 trận với Trung Quốc, Oman (sân nhà) và Nhật Bản (sân khách). Có 3 lý do để tin thầy trò ông Park đủ khả năng giành điểm ở những trận này.
Đội Trung Quốc vẫn là đối thủ vừa sức nhất với tuyển Việt Nam ở bảng B. Ảnh: Reuters. |
Thứ nhất, về tương quan lực lượng, tuyển Trung Quốc và Oman không mạnh hơn Việt Nam quá nhiều. Trung Quốc phải tới bàn thắng ở phút 90+5 của Wu Lei để thắng sát nút tuyển Việt Nam, còn Oman đã để thủng lưới sau pha lập công của Tiến Linh. Đây vẫn là 2 đối thủ có trình độ không vượt trội quá nhiều so với tuyển Việt Nam ở bảng B.
Thứ hai, 3 trận này nằm ở lượt đấu thứ 8, 9 và 10. Thời điểm này, kết quả vòng loại World Cup châu Á đã hoặc sắp ngã ngũ, quyết tâm và sự tập trung của các đội tuyển sẽ không còn mạnh mẽ như giai đoạn đầu và giữa vòng loại. Lịch sử chứng minh đây là thời điểm lý tưởng cho các đội chiếu dưới giành điểm.
Oman là ví dụ. Ở vòng loại cuối World Cup 2002, đội bóng Tây Á đứng bét bảng với 6 điểm nhưng có 4 điểm trong số đó thu được từ 2 trận cuối khi cục diện cuộc đua đã gần an bài. Tới vòng loại World Cup 2014, điều đó lặp lại khi Oman đứng áp chót với 8 điểm. 4 điểm trong số đó cũng được lấy ở 2 trận cuối.
Tuyển Trung Quốc cũng từng gặp tình thế tương tự. Vòng loại World Cup 2018, họ đứng áp chót sau 10 trận với 12 điểm. 7 trong số đó được lấy ở 3 trận cuối.
Trong khi các đội tuyển nhỏ có cơ hội giành điểm, những đội tuyển lớn cũng sẵn sàng thả lỏng ở giai đoạn này. Vòng loại cuối World Cup 2014, Nhật Bản đứng đầu bảng và mất điểm 3 lần trong 8 trận. Hai lần trong số đó tới ở 3 lượt đấu cuối.
Tương tự ở vòng loại World Cup 2018, Nhật Bản thua 2 trong 10 trận. Thất bại thứ hai tới ở lượt đấu cuối.
Nếu Nhật Bản sớm giành vé, còn Oman hay Trung Quốc hết mục tiêu, đó sẽ là cơ hội cho tuyển Việt Nam lấy điểm ở ba lượt trận cuối.
Ba trận cuối vòng loại World Cup trong năm 2022 nhiều khả năng đón chào sự trở lại của hàng loạt trụ cột tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Lý do thứ ba để tin vào thầy trò ông Park là thời điểm. Ba trận với Trung Quốc, Oman, Nhật Bản diễn ra trong tháng 2 và 3/2022, khi tuyển Việt Nam đã hoàn tất AFF Cup và chỉ còn tập trung toàn lực cho vòng loại World Cup. Đó cũng là lúc các trụ cột như Đặng Văn Lâm, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Trọng Hoàng và có thể cả Đoàn Văn Hậu bình phục chấn thương. Sự có mặt của họ sẽ gia tăng sức mạnh cho tuyển Việt Nam sau cơn bão chấn thương.
Chia sẻ với Zing, BLV Ngô Quang Tùng cho rằng: “Trận lượt về với Trung Quốc là cơ hội thiết thực nhất để tuyển Việt Nam giành điểm số đầu tiên. Chúng ta còn cơ hội sửa sai khi tái đấu với họ trên sân nhà”.
“Oman mạnh hơn, nhưng tuyển Việt Nam vẫn có cửa để giành điểm. Còn Saudi Arabia, Australia hay Nhật Bản hoàn toàn vượt trội”, anh nhận định.
Cơ hội giành điểm của tuyển Việt Nam vì thế sẽ nằm ở giai đoạn cuối vòng loại với 3 trận gặp Trung Quốc, Oman, Nhật Bản vào đầu năm 2022.